Trên bảng niêm yết giá vé tàu hỏa tuyến Hà Nội – Lào Cai, hành khách phải bỏ ra 96.000 đồng để có một tấm vé lên tàu. Tuy nhiên, lên được tàu rồi “mạnh ai người ấy mới có… ghế ngồi” còn không thì nằm, ngồi, đứng tùy ý trên sàn tàu. Tình trạng trên tạo nên sự lộn xộn, mất an toàn đường sắt trên suốt chặng đường dài hàng trăm kilômét như tuyến Hà Nội – Lào Cai.
Mất tiền mua vé chỉ được nằm “sàn tàu”!
Anh Trần Thái Hùng (trú tại TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Tôi thường đi xuống Hà Nội bằng tuyến đường sắt nhưng chưa bao giờ thấy quyền lợi của hành khách được phía nhà tàu tôn trọng trong khi mình phải bỏ tiền để mua vé dịch vụ do họ đưa ra. Có lần tôi mua vé, thấy nhân viên nhà ga nói hết vé ngồi mềm, vé ngồi cứng mà chỉ còn vé ghế phụ có mua thì mua. Để tiện công việc nên tôi đành chấp nhận mua vé loại này, thế nhưng, lúc vào tới toa xe mới “ngã ngửa” khi chẳng thấy chiếc ghế phụ nào như đã in trong vé. Hỏi ra mới biết họ ghi vậy cho “sang” chứ cả toa đó, những hành khách có vé loại này muốn ngồi hay nằm ở đâu tùy ý, miễn là trong toa có chỗ trống”. Tương tự, chị Lệ Thủy ở thị trấn Phố Lu, tỉnh Lào Cai cho biết thêm: Tình trạng trên diễn ra thường xuyên. Một lần chị vào ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) để mua 2 vé về quê. Khi mua, nhân viên bán vé ở đây cho biết, chỉ còn vé giường nằm có điều hoà với mức giá 330.000đồng/vé. Đang đắn đo thì chị nhân viên bồi tiếp: Cứ mua một vé giường nằm và một vé ghế phụ (giá 96.000 đồng) là được. Đến lúc ra tàu chọn toa chị mới biết vé giường nằm và vé ghế phụ lại ở các toa khác nhau chứ không ở gần nhau như người bán vé nói. Điều khó chịu ở chỗ, mặc dù mất tiền mua vé nhưng vào toa lại không có chỗ ngồi, muốn ngồi thì phải mắt trước mắt sau quan sát có ghế nào trống thì ngồi nhờ đến khi người có vé “chính” (trên đó ghi số ghế, số toa cụ thể) đòi thì phải trả lại. Còn không chỉ còn nước ngồi hoặc nằm xuống sàn tàu mà thôi.
Hành khách đi trên tuyến Hà Nội - Lào Cai không có ghế ngồi phải tìm chỗ trên sàn tàu. |
Có mặt trên chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai, chúng tôi không khỏi giật mình bởi sự lộn xộn tại các toa tàu. Qua quan sát, mỗi toa có khoảng 22 dãy ghế (mỗi dãy ghế có 2 mặt đủ cho 4 người ngồi) nhưng trên thực tế số hành khách lên tới trên dưới 100 người. Cảnh người ngồi, nằm la liệt trên toàn bộ toa tàu bên cạnh đó là bụi bẩn và rác thải sinh hoạt vứt vương vãi khắp sàn. Ngay cả khoảng không giữa 2 hàng ghế dọc toa tàu dùng để đi lại hoặc vận chuyển các phương tiện khi cấp thiết đều bị bịt kín người là người. Thậm chí tình trạng nằm ngủ ở chỗ giáp hai đầu toa tàu vẫn thường xảy ra.
Buồng nhân viên cũng… “rao bán”
Theo phản ánh của nhiều hành khách cho biết, hiện tượng “làm luật” tại các bến xe bến tàu đã có từ lâu. Xuất phát từ chính mong muốn được đi sớm, về sớm của mỗi hành khách mà vô hình trung đã tạo ra kẽ hở để những nhân viên nhà ga, nhà tàu tận dụng. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã làm theo đúng quy trình mua vé do một “cò” xe ôm ở ga hướng dẫn. Theo đó, để có thể lên được tàu, hành khách mua vé đưa khoảng 1.000 - 2.000 đồng để qua cổng soát vé tại mỗi đầu nhà ga, sau đó vào “làm luật” với nhân viên kiểm soát vé của tàu. Nếu chịu chi, mỗi hành khách bỏ ra khoảng 200.000 đồng/người để “làm luật” và được hướng dẫn đưa lên tàu. Tại đây, nhân viên của tàu sẽ đưa cho chiếc chiếu để khách vào phòng giường nằm có điều hoà trải chiếu dưới sàn tàu để nằm ngủ. Hoặc may hơn sẽ được nhân viên đường sắt “ưu ái” cho ngủ tại các phòng tạm của nhân viên được bố trí sẵn tại mỗi toa tàu. Đối với những trường hợp khách chi tiền ít hơn, bằng hoặc thấp hơn vé ghế ngồi cứng sẽ được bố trí đưa vào các toa khách thường. Những trường hợp này tương đương kiểu khách mua vé ghế phụ (bất cứ chỗ nào có khoảng trống hoặc có thể ngồi, nằm được thì sử dụng - PV). Khi về tới ga cuối, tất cả những khách kiểu này sẽ được nhân viên trong ngành ưu ái dẫn ra cửa hoặc được phát vé để thoát ra cửa ga tiếp tục thực hiện hành trình của mình.
Vé hành khách ghi rõ “không tên ga”. |
Qua quan sát của chúng tôi, chẳng riêng gì một vài hiện tượng trên, ngay cả vé phát hành tại các ga trung chuyển cũng là điều đáng bàn. Ngay thời điểm phóng viên có mặt, có nhóm hành khách đón tàu tại ga Bảo Hà (có mua vé hẳn hoi - PV) đi ga Đông Anh nhưng trên vé lại có dòng chữ mập mờ, gây khó hiểu đối với hành khách như phía dưới dòng chữ: Vé hành khách thì lại có dòng chữ “không tên ga”?! Tiếp đến quyền lợi của những khách này cũng bị bỏ rơi, toàn bộ trong số đó không có chỗ ngồi, họ cũng phải tìm chỗ ngồi nằm cho mình bằng cách “bám” sàn tàu.
Đem theo thắc mắc và những phản ánh của người dân về tình trạng trên, chúng tôi đã liên hệ, đặt lịch làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tìm hiểu nội dung vụ việc. Tuy nhiên, sau 1 tuần làm việc cộng với rất nhiều lần liên lạc với Văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chúng tôi nhận được câu trả lời đã được chuyển tới lãnh đạo, còn để biết khi nào tiếp, đề nghị phóng viên liên lạc sau (?!)
VĂN HẬU