Các chuyên gia đánh giá các dịch bệnh có thể bùng phát nếu không được phòng chống, đặc biệt khi cả nước bắt đầu khai trường...
Số ca mắc TCM đã tăng
Thống kê từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, số mắc TCM trong cả nước đã tăng lên trên 51.218 trường hợp, 23.272 trường hợp phải nhập viện. PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhập viện do TCM năm nay tăng 3,4%. Đáng chú ý, số ca mắc TCM đang có chiều hướng tăng hơn ở vài tuần gần đây và có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh trong vài tuần tới khi bước vào mùa tựu trường. Thời điểm này cũng là mùa của dịch TCM theo chu kỳ.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, sở dĩ bệnh TCM thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Cơ chế lây bệnh của TCM thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virut, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ... “Chỉ cần một trẻ bị bệnh TCM là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào”, ông Trần Đắc Phu nói.
Tại Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 12 trường hợp trẻ mắc TCM phải nhập viện điều trị, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu năm đến nay lên 123 ca mắc, chưa có trường hợp tử vong.
Tại TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 3.300 ca mắc bệnh. Trong tuần qua, ghi nhận 121 trường hợp mắc TCM. Tại BV Nhi Đồng 1, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh cho biết, mỗi ngày khoa điều trị nội trú cho khoảng 40 trẻ mắc TCM, cao hơn nhiều so với thời gian trước tháng 8, có ngày tiếp nhận nội trú lên tới 60 trẻ. Một số trẻ có diễn biến tăng nặng phải thở máy. Hầu hết, những trẻ mắc bệnh đều dưới 3 tuổi. Tại BV Nhi Đồng 2, tính từ đầu tháng 8 đến nay, đã có hơn 2.000 trẻ mắc bệnh TCM đến khám ngoại trú và hàng trăm trẻ phải nhập viện.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng để phòng bệnh TCM.
Cảnh báo hiện tượng giả danh cán bộ y tế phun thuốc để thu tiền của dân
TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 1/1 - 2/9/2017, Hà Nội ghi nhận 24.264 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Trong các tuần gần đây, số trường hợp mắc SXH giảm. Cụ thể, trong tuần cuối của tháng 8 đã giảm tới 861 trường hợp so với tuần đầu của tháng. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện hiện cũng giảm, trung bình còn 2.200 bệnh nhân/ngày (tuần trước đó là 2.500 bệnh nhân/ngày).
Thông tin này cũng được khẳng định tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh diễn ra mới đây ở Bộ Y tế. Tuy các chuyên gia cho biết số ca mắc SXH ở Thủ đô đã giảm 18%, nhưng qua hoạt động giám sát của Bộ Y tế và ngành y tế Thủ đô cũng phát hiện khoảng 30% số đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động chưa hiệu quả và vẫn còn 20% số gia đình có ổ bọ gậy.
Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, mật độ muỗi và bọ gậy ở Hà Nội vẫn có xu hướng tăng sau 1 tuần phun hóa chất diệt muỗi và tổ chức tìm diệt bọ gậy, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho muỗi sinh sản và bọ gậy phát triển nên dịch bệnh ở Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát mạnh. Lý giải điều này, theo PGS.TS. Trần Như Dương là do các đội xung kích xử lý các ổ bọ gậy chưa triệt để. Ngoài ra, thời tiết Hà Nội trong tuần vừa rồi một ngày nắng một ngày mưa làm phát sinh thêm nhiều ổ bọ gậy mới. Bất cứ dụng cụ gì để ngoài trời, đọng nước đều có thể trở thành ổ bọ gậy, thậm chí nhiều ổ chúng ta không ngờ tới. Một số lá khô to cong lên, chum thùng đã lật úp nhưng hơi lõm xuống... chứa nước lập tức có bọ gậy.
“Vì thế, việc xử lý bọ gậy phải làm thường xuyên, thậm chí hằng ngày chứ không phải hằng tuần như lâu nay vẫn tuyên truyền. Đây là vấn đề cốt lỗi để giảm số ca mắc SXH” - PGS.TS. Trần Như Dương nói.
Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh SXH tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay có hiện tượng giả danh cán bộ y tế thu tiền phun thuốc của dân. “Đề nghị các đơn vị phải kiểm tra sát sao việc này và có biện pháp xử lý thật nghiêm” - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.