Tự hào kho tàng múa Việt Nam
Nếu như Mường có múa sạp, chàm đuống, chàm thau; thì người Thái có múa xòe nón, xòe khăn, xòe vòng; người Khơme có múa Xayăm, rồm vông; người Ê Đê có múa khiên, múa trống...
Múa Chầu là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Tày, Nùng tại Cao Bằng, thường diễn ra vào các dịp lễ, Tết, lễ cầu an, lễ cấp sắc... Múa Chầu có ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc cho gia đình, cầu mùa màng tốt tươi, cầu bình an, sức khỏe. Ngày nay, ít người còn biết đến loại hình nghệ thuật truyền thống này. Trong cuộc diễn xướng Then, các chúa Then thường thể hiện điệu múa Chầu song song với khúc hát chầu tổ tiên, chầu cung vua, chầu chúa trời...
Người dân vùng biển Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) không biết điệu múa náp truyền thống của thôn có từ bao giờ. Nhiều bậc cao niên trong thôn kể rằng, từ thời Gia Long (1802-1820), điệu múa cổ này đã được vua khen ngợi. Qua điệu múa này, dân làng thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng để những chuyến ra khơi luôn đầy ắp tôm cá. Về sau, trải qua những cuộc binh đao, điệu múa này ngày càng mai một rồi thất truyền... Tuy nhiên, sau gần 100 năm bị rơi vào quên lãng, múa náp đang có dấu hiệu hồi sinh và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo cuốn hút du khách thập phương.
Giống như nhiều vùng quê khác, người Cao Lan, xã Thành Long (Hàm Yên) cũng sở hữu rất nhiều di sản múa, tiêu biểu là điệu múa “khai tăng” được biểu diễn tại các nghi lễ. Đây là điệu múa khai đèn cho thánh thần chiếu sáng cho khắp nhân gian. Người thực hiện là đệ tử của các thầy cúng người Cao Lan. Thường có 4 người, bởi theo quan niệm con số 4 tượng trưng cho 4 phương trời. Khi biểu diễn, người múa có các đạo cụ như chuông nhỏ, cờ, đèn. Họ thường di chuyển vòng tròn, xoay tròn rồi 4 người chụm vào, chụm ra theo quy luật riêng. Để tất cả được kết hợp nhịp nhàng thì cần có sự chỉ huy của thầy cúng. Mỗi điệu múa thường khoảng 45 - 60 phút. Thông dụng nhất trong văn hóa Cao Lan là các điệu múa gắn liền với sinh hoạt con người, được biểu diễn trong các dịp lễ hội. Bao gồm: Múa xúc tép, chim gâu, pâng loóng, múa cầu mùa, múa còn...
Múa dân gian được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Ngoài “khai tăng”, điệu múa “Pâng loóng” ra đời từ rất lâu và đến nay vẫn được lưu truyền trong đồng bào dân tộc Cao Lan. đây là điệu múa mang tính ước lệ cao, miêu tả lại quá trình làm nương của người Cao Lan, từ lúc tra hạt cho đến lúc thu hoạch mang về giã thành gạo. Nhạc cụ sử dụng cho điệu múa này chủ yếu là bộ gõ, bao gồm trống và các ống tre. Tiếng gõ muống, tiếng nhạc đệm từ những nhạc cụ truyền thống chính là một phần quan trọng tạo nên sự khác lạ, thu hút trong điệu múa Pâng Loóng.
Có nhiều cách gìn giữ
Cũng giống như đồng bào Dao đỏ ở nhiều địa phương, đồng bào Dao ở xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn có nhiều lễ nghi quan trọng như: lễ Lập tịch, Tết thanh minh; Tết nhảy (là một nghi lễ tạ ơn tổ tiên, Bàn vương). Trong những lễ nghi này của đồng bào Dao ở suối Quyền không thể thiếu điệu múa chuông. Để giữ gìn và phát huy những vốn quý của nền văn hóa truyền thống, ngoài việc tạo điều kiện cho các hộ gia đình tổ chức các lễ cấp sắc theo quy định, chính quyền xã còn vận động các thầy mo, nghệ nhân thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn, truyền dạy các nghi lễ điệu múa cho các em học sinh. Cùng với việc phối hợp với các đơn vị trường tổ chức truyền dạy cho các em học sinh, xã cũng khuyến khích các nghệ nhân sưu tầm và tổ chức các nghi lễ phù hợp với đời sống văn hóa mới.
Bên cạnh nỗ lực gìn giữ của từng địa phương, những điệu múa truyền thống còn có cơ hội được trình diễn trước khán giả quốc tế. Không chỉ ở Liên hoan Múa quốc tế, múa dân gian mới phát huy hết công suất với ý nghĩa giới thiệu và quảng bá bản sắc của các dân tộc Việt Nam đến bạn bè thế giới, mà nhiều năm trở lại đây, rất nhiều cuộc thi, liên hoan dành cho nghệ thuật múa dân gian dân tộc được tổ chức và thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng.