Mưa trái mùa – gia tăng bệnh truyền nhiễm

06-02-2017 14:57 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, tại khu vực Nam bộ, thường xuất hiện nhiều trận mưa trái mùa, khiến cho nhiều loại bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy… Hiện tượng thời tiết bất thường như mưa vào mùa khô, nhiều loại dịch bệnh có cơ hội bùng phát.

Ngày 5/2/2017 bé Châu Thị Kim N, 11 tuổi, nhà ở xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang bị sốt cao, đau bụng, nôn ói nên mẹ bệnh nhân đưa em vào bệnh viện. Mẹ em cho biết, N. bị sốt 5 ngày, sốt liên tục không giảm, buổi sáng bỗng nhiên đau bụng và nôn nhiều, tay chân lạnh nên gia đình đưa vào bệnh viện. Tại bệnh viện em được chẩn đoán sốc do sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 5. Bệnh nhân được điều trị tích cực chống sốc, sau 24 giờ bệnh nhân N dần ổn định trở lại, s hết đau bụng, tiểu được nhiều.

Mưa trái mùa khiến nước mưa đọng lại những chỗ trũng như lá cây, vỏ lon, bánh xe, gáo dừa…là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn đẻ trứng và phát triển, rồi truyền bệnh sốt xuất huyết. Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần tranh thủ kiểm tra xung quanh nhà và loại bỏ nước đọng, phát quang bụi rậm và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, ngủ màn kể cả ban ngày, mặc áo quần dài tay để phòng chống muỗi đốt hiệu quả nhất.

Bệnh nhân sốt xuất huyết do mưa trái mùaBệnh nhân Châu Thị Kim N. đang điều trị tại viện.

Đối với bệnh tay chân miệng, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh này lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Triệu chứng bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Hiện nay, tại Nam bộ, mưa trái mùa xảy ra thường xuyên khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm, thức ăn khó bảo quản vì vậy bệnh tiêu chảy có cơ hội tăng theo. Người dân  cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống tiêu chảy như: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào; ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B; cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối... Khi có người bị tiêu chảy cấp: phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.


BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Ý kiến của bạn