Mua thuốc gia truyền trên mạng: Tiền mất, tật mang

SKĐS - Đánh trúng vào tâm lý có bệnh vái tứ phương và ngại đến bệnh viện khám bệnh của không ít người, thị trường bán thuốc qua mạng đang thu hút khá nhiều người từ trẻ đến già.

* Đánh trúng vào tâm lý có bệnh vái tứ phương và ngại đến bệnh viện khám bệnh của không ít người, thị trường bán thuốc qua mạng đang thu hút khá nhiều người từ trẻ đến già. Với đầy đủ các loại thuốc trị các loại bệnh dạ dày có, táo bón có, mất ngủ, tăng cân và hôi nách, hôi chân cũng có. Nhiều người nhẹ dạ mua dùng đã khiến bệnh nặng càng nặng hơn…

Bệnh nặng hơn khi dùng thuốc gia truyền trên mạng

Luôn mặc cảm và xấu hổ vì bị hôi nách, N.T.T.H. (21 tuổi, ở phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội)  tìm mọi cách từ nghe giới thiệu truyền miệng đến lên mạng tra cứu, cuối cùng, H. cũng tìm được một địa chỉ quảng cáo trị dứt điểm căn bệnh khó nói thông qua facebook. Địa chỉ nhà thuốc được giới thiệu ở Đông Hưng, Thái Bình.  Sau khi làm theo hướng dẫn, 2 ngày sau H. nhận thuốc với giá 130 nghìn. Tuy nhiên, sau bôi khoảng một tuần, H. thấy vùng nách của mình nặng mùi và  khó chịu hơn nhiều so với trước đây. Đáng nói là ngay cả những chiếc áo phông H. mặc dù đã giặt rất sạch nhưng vẫn còn ám mùi khó chịu...

Một trang thuốc Đông y gia truyền được quảng cáo trên mạng xã hội.

Giống với thực phẩm chức năng, nếu tìm kiếm trên các trang mạng sẽ không khỏi bàng hoàng trước hàng ngàn trang web kinh doanh thuốc Đông y gia truyền trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo... với đủ các loại thuốc gia truyền đặc trị mà không cần bắt mạch, kê đơn. Những lời chào hàng chuyên nghiệp cùng những hình ảnh về sản phẩm được đăng tràn lan với các tên gọi như: Thuốc gia truyền Việt Nam, Thuốc Đông y gia truyền 4 đời, Nhà thuốc Đông y gia truyền nhiều đời nhất..., Thuốc trị nám gia truyền; Thuốc trị hôi nách gia truyền, thuốc chữa dạ dày gia truyền..., Nhà thuốc Đông y gia truyền chuyên trị yếu sinh lý, gút, nấm, hôi chân... Hầu hết các cơ sở thuốc gia truyền đều yêu cầu để lại số điện thoại và nhân viên sẽ gọi tư vấn. Nếu comment hỏi về một số bệnh thì đều được trả lời sẽ gửi vào tin nhắn hoặc sẽ có nhân viên gọi tư vấn... Kèm theo đó là những lời chào hàng rất chuyên nghiệp “hoàn lại 100% tiền nếu dùng hết một liệu trình mà bệnh không thuyên giảm”. Thuốc được “Bào chế từ các thảo dược bí truyền Việt Nam qua nhiều đời...”.

Theo TTND. Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, thông thường Đông dược có tác dụng khá chậm, nhưng nếu người sản xuất trộn thêm các chất tân dược sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng. Mới uống người bệnh có cảm giác bệnh thuyên giảm ngay, tuy nhiên dùng một thời gian thì nguy hại cho sức khỏe. Ví dụ thuốc được trộn corticoid, người bệnh sau khi uống thấy ăn khỏe, ngủ ngon, tinh thần thoải mái, nhưng nếu dùng nhiều, dùng lâu dẫn đến phụ thuộc corticoid và gây ra những căn bệnh nguy hiểm như: tổn thương da, giòn xương, phù mặt, suy thận cấp, nhiễm khuẩn huyết, suy gan... thậm chí có thể tử vong.

Theo đó, lương y cũng khuyến cáo, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần phải khám bệnh ở những nơi có uy tín, đã được cấp phép và sử dụng thuốc theo chỉ định của những người có chuyên môn, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc chỉ vì tin theo quảng cáo và tin đồn để rồi tiền mất tật mang, lại mất cả cơ hội điều trị bệnh khi còn nhẹ.

Những con số báo động

Tại Hội nghị Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu diễn ra tại Hà Nội mới đây, báo cáo của Cục Quản lý y, dược cổ truyền đã đưa ra những con số báo động. Hàng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Như vậy, 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng là rất ít so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Qua đây có thể thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến phức tạp. Ngoài số dược liệu không rõ nguồn gốc thì hiện người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với những loại dược liệu kém chất lượng, giả do lòng tham của một số cá nhân, đơn vị gây ra. Cùng với đó, các phương tiện thông tin đại chúng cũng không ngừng đưa ra những cảnh báo của cơ quan chức năng khi phát hiện nhiều thuốc Đông y được trộn tân dược, có thuốc trộn đến 3-4 loại tân dược. Ví dụ, thuốc Đông dược có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau thì trộn paracetamol; thuốc chữa khớp, còi xương, suy dinh dưỡng, kém ăn trộn corticoid...; thuốc chữa gút, huyết áp cũng trộn tân dược...

Mặt khác, cũng theo Cục Quản lý y dược cổ truyền, hiện nay, dược liệu thông quan qua cửa khẩu còn rất nhiều tồn tại như: dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy nên không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc.


Phạm Dung
Ý kiến của bạn