Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) TP. Hà Nội cho biết, mặc dù các các mặt hàng thực phẩm được chế biến từ cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng sau đó, các thực phẩm vận chuyển phải đảm bảo môi trường, nhiệt độ đúng như nhà sản xuất yêu cầu mới đảm bảo ATTP. Môi trường khi vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng nhiều khi không đáp ứng được điều kiện bảo quản sản phẩm do nhà sản xuất yêu cầu. Nhiều cơ sở sản xuất chỉ sản xuất trong gia đình, sau đó giao hàng online, các cơ quan chức năng khó nắm bắt được.
Mua hàng thực phẩm online đã trở thành thói quen của nhiều người.
Nói về nguy cơ không đảm bảo VSATTP qua hình thức mua bán hàng thực phẩm online, ông Tụ chia sẻ: Vụ ngộ độc pate Minh Chay vừa rồi là một ví dụ. Tất nhiên, để kết luận khâu nào trong sản xuất pate Minh Chay gây lên ô nhiễm, cần phải có bằng chứng khoa học nhưng theo đánh giá trực quan của cá nhân tôi, nguyên nhân ngộ độc do không đảm bảo vệ sinh trong sản xuất (hấp, sấy không đủ nhiệt độ, thời gian...) cũng như đảm bảo nhiệt độ trong quá trình vận chuyển sản phẩm theo như yêu cầu của nhà sản xuất.
Pate Minh Chay sản xuất theo đơn đặt hàng từng ngày của khách hàng đặt online. Đa phần khách hàng mua hộp một, người mua nhiều nhất là 3 hộp. Qua danh sách công ty cung cấp, 1 ngày sản xuất trung bình khoảng 50 tới 70 hộp. Hạn sử dụng của 1 hộp pate Minh Chay ghi trên hộp sản phẩm là 6 tháng với điều kiện bảo quản ở trạng thái cấp đông, nhiệt độ -4 độ C tới -13 độ C. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất này trong khi vận chuyển lại không đảm bảo nhiệt độ theo quy định. Sản phẩm được vận chuyển tới tay người tiêu dùng chủ yếu bằng xe máy, ôtô, máy bay, không vận chuyển bằng xe hàng lạnh. Nhiệt độ không đảm bảo này là môi trường để vi khuẩn hoạt động.
Ông Tụ cũng chia sẻ về chức năng, nhiệm vụ ngành y tế đối với công tác quản lý ATTP, Chính phủ có quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP, trong đó, có 3 bộ, ngành các tỉnh/thành chịu trách nhiệm chính về quản lý về Luật ATTP: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do ngành y tế quản lý, cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng trong khi đi kiểm tra, nếu thấy sản phẩm thực phẩm cần truy xuất được sản xuất bởi cơ sở do ngành khác quản lý thì ngành y tế phối hợp với ngành đó hoặc độc lập kiểm tra khi đã có sự thống nhất.
Theo ông Tụ, Chi cục Quản lý thực phẩm chỉ có thể quản lý mặt ATTP tại địa điểm kinh doanh, không quản lý ATTP trong khi vận chuyển hàng. Vì vậy, nếu mua hàng online, chất lượng ATTP khi tới tay khách hàng đã ngoài tầm kiểm soát của ngành y tế.
Theo quy định, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, ngành y tế chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm. Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; Phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Vì vậy, để tránh ngộ độc thực phẩm, đối với người tiêu dùng mua hàng online, ông Tụ đưa ra khuyến cáo: Người mua hàng thực phẩm qua hình thức online cần nắm rõ được điều kiện bảo quản thực phẩm (có ghi trên bao bì sản phẩm). Nếu nhà sản xuất quy định điều kiện bảo quản phù hợp với điều kiện vận chuyển hàng hóa thì mới nên mua hàng theo hình thức này.