Mùa thu, hướng về Sài Gòn

03-09-2021 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những tâm dịch COVID-19 đã nóng rực lên rồi, Sài Gòn và một số tỉnh thành phố phía Nam đang rất cần một sự chi viện kịp thời và ồ ạt để chặn đứng lại sức tấn công lặng lẽ nhưng siêu nguy hiểm của COVID-19.

Quân đội hỗ trợ từng bó rau con cá để 'không ai bị bỏ lại phía sau'Quân đội hỗ trợ từng bó rau con cá để "không ai bị bỏ lại phía sau"

SKĐS – Tấm áo ướt đẫm mồ hồi giữa trưa nắng của bộ đội đổi lấy ánh mắt hạnh phúc của người dân khi thực phẩm được trao tận tay, khi tình yêu thương được lan tỏa...

Tôi xem bức ảnh ấy và trái tim chợt rung lên những niềm thương cảm. Một gương mặt tròn toát lên nét đôn hậu, đôi mắt bồ câu mở to với ánh nhìn điềm tĩnh và mấy vết hằn khẩu trang trên má.

Bức ảnh này chắc được chụp sau giờ làm việc căng thẳng vất vả của nữ thầy thuốc nơi tâm dịch ở thành phố Hồ Chí Minh. Và, tôi biết rằng mấy vết hằn khẩu trang trên má nữ thầy thuốc ấy đã làm xúc động không ít người.

Sài Gòn 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác chống dịch.

Mùa thu 2021. Trời vẫn xanh như chưa từng xanh như thế. 

Nắng vẫn vàng như chưa bao giờ vàng như thế. Nhưng, đại dịch COVID-19 đã cướp đi của chúng ta sự an lành, yên tĩnh; tất cả dường như đã bị cuốn vào một cơn bão lớn gần như vô hình và cực kỳ nguy hiểm. Trận dịch thế kỷ đợt thứ tư bùng phát dữ dội ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh phía Nam khác. 

Biểu đồ đại dịch tăng nhanh mỗi ngày với lượng người dương tính đạt đến con số lớn. Không nói ra nhưng chắc ai cũng nơm nớp lo khi được tin quá tải của các bệnh viện của thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... 

Sài Gòn 2

Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Chính ủy Tổng cục hậu cần, dặn dò cán bộ, nhân viên, học viên Học viện Quân y lên đường vào miền Nam chống dịch

Những tâm dịch COVID-19 đã nóng rực lên rồi, Sài Gòn và một số tỉnh thành phố phía Nam đang rất cần một sự chi viện kịp thời và ồ ạt để chặn đứng lại sức tấn công lặng lẽ nhưng siêu nguy hiểm của COVID-19. Không chần chừ, cả nước hướng về miền Nam; cả nước hướng về Sài Gòn. Một mùa thu vô cùng đặc biệt, một chiến dịch vô cùng đặc biệt; đất nước dồn hết sức người sức của chống giặc COVID-19.

Trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm thế kỷ trước, trên đất nước ta đã có những cuộc chia ly màu đỏ. "Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế/ Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ/ Gió nói tôi nghe những tiếng xì xào/ "Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau...". 

Câu thơ của Nguyễn Mỵ đang vang vọng trên đất nước này. Và, như các thế hệ đi trước những người con trai, con gái đất Việt vẫn biết sống xa nhau khi Tổ quốc cần. Thế kỷ hai mươi mốt, dưới trời thu trong biếc lại có bao cuộc chia ly màu xanh... 

Sài Gòn 4

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết- giám đốc Học viện Quân y, động viên, chúc các cán bộ, nhân viên, học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ

Những cuộc chia ly trong hòa bình. Bộ đội. Công an. Sinh viên... Và thật cảm động, có không ít cuộc chia ly của các thầy thuốc với người thân. Đây không phải là lần đầu tiên, các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên...những người lính đi đầu trong cuộc chiến đấu chống đại dịch chia tay vợ/chồng, con cái, người thân. Họ đã từng có mặt ở Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng... Cách xa là thổn thức, là rưng rưng, là phải chịu cảnh hai đầu nỗi nhớ. Mà thương nhớ thì làm sao quen được cơ chứ. 

Chỉ có vì nghĩa lớn nên phải chấp nhận chia ly, phải kẻ Bắc người Nam để làm tròn nhiệm vụ được giao. Điều này xin mọi người nhớ cho, không có sự an toàn tuyệt đối nào dành cho các thầy thuốc cả. Họ có thể bị lây bệnh bất cứ lúc nào và sự hy sinh không phải là cái gì xa xôi cả. Biết như thế để thấu hiểu và nhìn nhận đúng sự đóng góp của các thầy thuốc trong cuộc chiến cam go, vất vả này. 

Để thấy được sự cống hiến, hy sinh không nhỏ của các "chiến binh mang áo blu" trên mặt trận chống COVID-19 hôm nay. Tôi nghĩ rằng, yêu thương, chia sẻ dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch trong đó có các thầy thuốc không bao giờ đủ cả. Họ cần lắm những yêu thương, chia sẻ ấm áp đó. Điểm tựa tinh thần của họ là ở đấy; đừng bao giờ để nó nhạt nhòa hay vơi hụt đi.

Sài Gòn 3

Lực lượng của Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam chi viện lấy mẫu tại TP.HCM

Bộ Y tế đã dồn sức cho Sài Gòn, cho cả miền Nam

Hơn 16.000 "chiến sĩ áo trắng" đã được chi viện cho miền Nam chống dịch. Tôi nghĩ, cũng như các chiến sĩ quân đội, công an, các thầy thuốc cùng chung lời thề: Không chiến thắng không về.

Chiến thắng đây không thể hiểu một cách chung chung được mà phải làm cho Sài Gòn, Bình Dương... số người bị nhiễm dịch bệnh, bị tử vong phải giảm xuống rõ rệt; số người điều trị khỏi tăng lên; kế hoạch tiêm vaccine được tổ chức nhanh, nhiều và an toàn vượt trội; thực hiện nghiêm giãn cách, cách ly theo quy định; dân không ai bị bỏ rơi, bị đói; trật tự xã hội được thiết lập vững chắc... 

Trong một ngày không xa mấy, các tâm dịch được trở lại trạng thái bình thường, "vùng đỏ" trở thành "vùng xanh", yên bình và nhộn nhịp. Những chuyến bay, chuyến tàu, chuyến xe không bị bóng đen COVID-19 bao phủ nữa. Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh và những vùng quê khác lại trở thành điểm hẹn thú vị cho bao người đến.

Tuy nhiên, không có chiến thắng nào là nhẹ nhàng và dễ dàng cả. Muôn vàn khó khăn, nguy hiểm đang chất chồng trước mắt. Nhìn vào đâu cũng thấy điều đó. Tôi nghĩ dân tộc ta đang đứng trước thách thức lớn. Vượt qua nó không chỉ bằng lòng can đảm, sự quyết tâm cao mà bằng cả trí tuệ nữa.

Sài Gòn 6

Cán bộ, nhân viên, học viên Học viện Quân y lên đường vào miền Nam chống dịch

Trong chống dịch lần này, bài học của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Đó là tập hợp được sức mạnh của nhân dân trên tinh thần đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; là dĩ bất biến ứng vạn biến, là nhìn cho rộng, suy cho kỹ... như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Tôi đau đáu điều này, muốn thắng "giặc" dịch trước hiện phải làm yên lòng dân. 

Khi dân đã yên, dân đã tin thì khó khăn nào cũng vượt qua. Tôi cũng rất tin rằng lòng dân đang yên, sẽ yên khi thấy cả nước đang hướng về miền Nam, hướng về thành phố mang tên Bác. Những đoàn quân trẻ trung đã có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương..., trong đó có không ít thầy thuốc thân yêu của chúng ta.

Sài Gòn 7

Nữ bác sỹ Quân y thể hiện sự quyết tâm trước khi lên máy bay. Toàn bộ lực lượng đã được tiêm đủ 2 mũi, xét nghiệm âm tính với COVID-19, được tập huấn kiến thức chuyên môn (Ảnh: VnExpress)

Mùa thu này, có nhiều người đang hướng về Sài Gòn. Thực lòng, chúng ta đâu muốn điều đó xảy ra. Không phải chiến tranh. Không có bom rơi đạn nổ. Không hề đổ máu. Nhưng có đây, một Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đang gồng mình chống dịch. Mặt trận không tiếng súng mà gian lao, nguy hiểm khôn xiết. 

Cuộc chiến chống dịch này cũng không hề dễ dàng, mà đầy khó khăn, thách thức. Nó ghê gớm tới mức có người đã hình dung tới một kịch bản hết sức ảm đạm, đó là sự sàng lọc của tự nhiên, cứ trăm năm lại diễn ra một lần.

Sài Gòn 8

Nụ cười chiến thắng của các y bác sĩ và tình nguyện viên tham gia chống dịch tại TP.HCM

Nhưng chúng ta nghĩ khác, ít nhất là trong bối cảnh này: Phải chiến thắng COVID-19. Hai chữ chiến thắng mang hàm nghĩa rộng lớn, từ mục tiêu cụ thể đến chiến lược lâu dài. Phải có cách bao vây và phong tỏa nó để COVID-19 không còn là nỗi kinh hoàng của con người nữa. Hướng tới những điều tốt đẹp là phẩm tính của con người, không ai sống được khi không còn hy vọng và niềm tin cả. 

Hy vọng và niềm tin cho con người dũng khí và sức mạnh. Dân tộc Việt đã biết sống bằng lòng dũng cảm và những thăng hoa của tâm hồn. Điều đó chẳng bao giờ mất đi. Trong cuộc chiến chống đại dịch này vẫn thế, chúng ta đã, đang và sẽ cố gắng cho Tổ quốc, cho dân tộc mình sinh tồn mãi mãi.


Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến của bạn