Vậy để phòng ngừa tiêu chảy trước ngày thi, bạn phải làm thế nào?
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp là gì?
Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm trùng, mà nhiễm virút chiếm 80%, số còn lại là nhiễm vi khuẩn, nhiễm kí sinh trùng, nhiễm nấm.
Các nguyên nhân tiêu chảy không do nhiễm trùng gồm uống rượu bia, dị ứng thức ăn, ăn phải thức ăn kích thích đường tiêu hóa, một số loại thuốc, bệnh đái tháo đường, bệnh viêm ruột không nhiễm trùng như bệnh Crohn hay bệnh viêm loét ruột, bệnh cường giáp, xạ trị, một vài bệnh ung thư, phẫu thuật đường tiêu hóa, rối loạn hấp thu, lạm dụng thuốc xổ.
Trong bài này, chúng ta nói đến tiêu chảy cấp do nhiễm trùng.
Tiêu chảy biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng chính của tiêu chảy là đi cầu phân lỏng và tăng số lần đi cầu. Tiêu chảy có nhiều mức độ, mức độ nhẹ có biểu hiện có thể là thay đổi độ đặc của phân, phân trở nên sệt nhão, đi nhiều lần hơn bình thường, có mùi khắm có thể kèm theo đau bụng. Mức độ nặng hơn thì đi tiêu phân lỏng nhiều nước. Số lần đi cầu có thể từ vài lần trong ngày cho tới hàng chục lần (20 - 30 phút/ lần). Tiêu chảy phân nước lỏng đục nhiều, không kèm sốt, không đau bụng cần nghi ngờ nhiễm phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae), bạn phải nhập viện theo dõi điều trị.
Đang bị tiêu chảy kiêng gì?
Không dùng thức uống có cồn, caffein hoặc nước uống có ga vì nó làm tăng xuất tiết và tăng nhu động ruột làm tăng số lần đi cầu.
Không dùng thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, nước ép trái cây vì chúng có tác dụng nhuận trường và tạo nhiều hơi gây chướng bụng.
Không nên uống sữa vì sữa có lactose, nếu bạn không thường xuyên uống sữa, cơ thể bạn sẽ không có men lactase để tiêu hóa đường lactose. Ngoài ra, khi bị tiêu chảy, niêm mạc thành ruột bị tổn thương bởi vi khuẩn, virút hoặc độc tố của chúng, làm mất đi men lactase. Do thiếu men lactase, đường lactose không tiêu hóa được trong ruột gây bất dung nạp lactose. Đường lactose không được tiêu hóa sẽ ứ đọng lại trong ruột, hút nước làm tiêu chảy nặng hơn và bị tiêu chảy kéo dài.
Hạn chế ăn thực phẩm chứa quá nhiều dầu mỡ hay thức ăn chiên vì chúng làm tăng nhu động ruột, làm tăng số lần đi cầu.
Rau là thực phẩm có thể làm nhuận trường, làm tăng nhu động ruột nên làm tăng số lần đi cầu. Khi tiêu chảy, bạn vẫn có thể ăn rau nấu chín với lượng vừa phải. Những loại rau củ chứa nhiều chất xơ, tạo nhiều hơi bạn không nên ăn như: bông cải xanh, tiêu, đậu các loại, quả mọng, mận, rau lá xanh, và ngô.
Bạn không nên ăn rau sống. Vì ăn rau sống có thể bị nhiễm thêm vi sinh vật từ rau và từ nước rửa rau do rau sống được rửa trực tiếp từ nước sinh hoạt. Điều này không có lợi khi bụng bạn đang yếu ớt do bị nhiều vi sinh vật tấn công. Ăn rau sống lại đưa thêm vi sinh vật vào trong lúc bụng yếu là không nên. Bạn cần bụng chóng khỏe để thi cử.
Ở các nước phương tây, các bác sĩ thường khuyến khích ăn 4 loại thức ăn giúp mau hết bệnh tiêu chảy, đó là chuối, gạo trắng, nước xốt táo, và bánh mì nướng. Ngoại trừ nước xốt táo, các thức ăn còn lại khá phổ biến ở Việt Nam ta.
Ngoài các chú ý về ăn uống trên, các loại thức ăn khác bạn ăn uống bình thường, trừ những thức ăn mà bạn biết chắc chắn là khi ăn vào bị dị ứng thì không nên ăn. Bạn nhớ rằng, ăn uống đầy đủ sẽ cung cấp năng lượng giúp cơ thể khỏe mạnh và mau bình phục.
Thuốc gì không nên uống?
Khi tiêu chảy cấp, ngày mai lại thi, bạn nóng lòng cho mau khỏi nên bạn ra hiệu thuốc mua ít thuốc cầm chảy. Điều này hoàn toàn cấm kỵ. Thuốc cầm tiêu chảy (loperamid) làm giảm nhu động ruột, làm giảm số lần tiêu chảy; nhưng vi sinh vật và độc tố của vi sinh vật vẫn ở trong ruột. Độc tố có thời gian hấp thu nhiều hơn, bạn bị ngộ độc nặng hơn nên triệu chứng khó chịu kéo dài, bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Thuốc cầm tiêu chảy chỉ có lợi cho các bệnh tiêu chảy mãn tính, tiêu chảy không phải do vi sinh vật hoặc do độc tố vi sinh vật.
Nên dùng thuốc gì?
Thuốc an toàn nhất mà bạn nên dùng là probiotic còn gọi là men vi sinh. Probiotic là các vi khuẩn không gây bệnh, ví dụ như: Lactobacillus acidophilus và Saccharomyces boulardii. Bạn hiểu đơn giản rằng probiotic chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho ruột của bạn, khi ruột bạn yếu, bị vi sinh vật có hại chiếm cứ và sinh sôi ào ạt, bạn đưa vào một lực lượng lớn vi sinh vật có lợi, nó sẽ lấn át, cạnh tranh làm cho vi sinh vật có hại không có điều kiện phát triển và sẽ bị đẩy lui. Ngoài ra, các vi khuẩn có lợi trong probiotic sinh trưởng ở ruột bệnh nhân và sản xuất ra các chất chuyển hóa gây tăng độ acid trong phân và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh. Chúng ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn vào mô ruột và sản xuất ra các axít béo chuỗi ngắn có lợi cho sự hồi phục ruột và tăng tốc độ hấp thu dịch và điện giải.
Có rất nhiều loại men vi sinh trên thị trường như Anbio, Ybio, Biosubtyl, Probio… Bạn chọn loại thuốc tốt phù hợp với khả năng tài chính của mình. Chọn loại thuốc chỉ có vi sinh vật, không có bổ sung các vitamin, vì nếu bạn mua thuốc có bổ sung vitamin sẽ khó khăn cho bạn chỉnh liều.
Để đạt hiệu quả, bạn hãy pha probiotic trong nước lọc, nước chín để nguội, không pha trong nước nóng vì nước nóng sẽ làm chết các vi sinh vật có lợi trong thuốc.
Có cần uống kháng sinh không?
Phần lớn tiêu chảy cấp ở người lớn là nhẹ, tự khỏi và nguyên nhân chủ yếu là do virút, nên không cần dùng kháng sinh. Hơn nữa việc dùng kháng sinh bừa bãi có thể gây kháng thuốc, kháng sinh diệt hết vi khuẩn thường trú có lợi trong ruột nên không cần thiết sử dụng.
Tuy nhiên, khi bị các loại vi khuẩn xâm lấn tấn công, gây tiêu chảy nhầy nhớt, có máu, tiêu chảy ở những người đi du lịch (những người ăn uống ngoài đường không đảm bảo vệ sinh, thường do E. coli, Giardia, Cryptosporidium, B. cereus và S. aureus) hay tiêu chảy ở những người bị suy giảm miễn dịch thì nên dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Có cần uống thuốc giảm đau?
Nếu đau bụng nhiều, bạn có thể uống thêm thuốc giảm đau giảm co thắt như Buscopan 10mg uống lần 1 viên, ngày 2 lần hoặc Nospa 40mg uống lần 1 viên, ngày 2 lần. Bạn chỉ uống thuốc giảm đau để giảm triệu chứng đau, vì vậy chỉ uống một hoặc vài ngày cho đến khi hết đau thì nên dừng thuốc giảm đau.
Có cần bù nước khi bị tiêu chảy?
Tiêu chảy mức độ nhẹ có thể không có dấu hiệu mất nước, nhưng tiêu chảy mức độ vừa và nặng thường có mất nước. Nếu bạn cảm thấy khô miệng hoặc khát nước là bạn đã bị mất nước. Khi mất nước, việc bù nước là cần thiết. Hiện nay thị trường có bán các gói oresol. Loại thông thường pha trong 1 lít nước, loại cho em bé pha trong 200ml nước. Bạn nên mua loại cho em bé, dù đắt hơn loại thông thường nhưng sử dụng thuận tiện hơn vì một lần bạn pha đủ cho một vài lần uống nên bạn không cảm thấy ớn. Nếu tiêu chảy mất nước nặng bạn phải đến cơ sở y tế để khám điều trị và truyền dịch.
Làm thế nào để phòng ngừa tiêu chảy?
Nếu bạn thấy đau bụng râm râm, đánh hơi nhiều hơn bình thường, thay đổi số lần đi cầu, tính chất phân thay đổi từ rắn sang sệt, bạn có thể uống probiotic dự phòng. Bạn hãy uống mỗi lần hai gói, ngày hai đến ba lần.
Bạn nên thực hiện ăn sạch, không ăn đồ hôi thiu, nếu thấy thức ăn hôi thiu nên bỏ ngay và từ chối ăn. Không uống nước lã, không uống nước đóng chai có cợn, thay đổi mùi vị, không đảm bảo vệ sinh.
Bạn phải rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và rửa tay bằng xà phòng sau mỗi lần đi vệ sinh.
Trước ngày thi, bạn không nên ăn những thức ăn lạ vì có thể bị tiêu chảy hoặc bị dị ứng.
Nếu không thường xuyên uống sữa, bạn không nên uống sữa trước khi thi vì bạn có thể bị tiêu chảy do bất dung nạp lactose.
Sữa chua là một loại thực phẩm lên men đã phân hủy sẵn lactose, cung cấp nhiều vi sinh vật có lợi giúp điều hòa vi khuẩn ruột. Thường xuyên sử dụng sữa chua vừa có lợi cho sức khỏe vừa phòng tiêu chảy.