Hà Nội tăng mạnh sốt xuất huyết
CDC Hà Nội ngày 12/7 cho biết từ ngày 4 đến 10/7, thành phố ghi nhận 79 ca sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước). Hiện còn 10 ổ dịch đang hoạt động, trong đó ổ nhiều nhất có 14 ca bệnh.
Số ca sốt xuất huyết mới ghi nhận tại 23 quận, huyện và 51 xã, phường, thị trấn. Bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Phú Xuyên (11 ca), Đan Phượng (10 ca), Long Biên (7 ca), Bắc Từ Liêm (6 ca), Ba Vì và Hoài Đức mỗi nơi 5 ca.
Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới, trong đó tại huyện Mê Linh có 2 ổ dịch và quận Bắc Từ Liêm có 1 ổ dịch.
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 254 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Còn 10/19 ổ dịch đang hoạt động tại 7 quận, huyện: Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Đống Đa, Hà Đông, Phú Xuyên, Gia Lâm. Trong đó có 1 ổ dịch có nhiều bệnh nhân (với 14 trường hợp) tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên.
Như vậy, nhiều tuần nay Hà Nội trên đà tăng số ca mắc sốt xuất huyết. Từ ngày 27/6 đến 3/7, thành phố ghi nhận 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết - tăng 2,3 lần so với tuần trước đó- tại 24 quận, huyện.
Các bác sĩ dự báo số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội sẽ tăng mạnh từ tháng 8.
Trên cả nước, đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca sốt xuất huyết, tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó; 37 trường hợp tử vong.
Hai thời điểm không nên cho trẻ ra ngoài phòng sốt xuất huyết
Ths BS Đỗ Hoàng Hải – Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay môi trường sống ưa thích của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là những nơi ẩm ướt, có ánh sáng yếu, sinh sản đẻ trứng ở các vật dụng tồn đọng nước.
Bọ gậy thích ở những nơi có nước sạch như chậu hoa, dụng cụ đựng nước…
Hai thời điểm muỗi đi hút máu nhiều nhất là sáng sớm hoặc chiều tối, đây là thời điểm nhiệt độ thấp, ánh sáng yếu, độ ẩm phù hợp cho muỗi hoạt động. "Vì thế trẻ đang trong vùng dịch hoặc có nguy cơ cao nên hạn chế để trẻ chơi, ra ngoài đường mà không có biện pháp phòng hộ phù hợp. Thời gian này trẻ nên ở trong nhà" - BS Hải nói.
Biện pháp tránh muỗi đốt hữu hiệu với trẻ nhỏ, trẻ nên mặc quần áo sáng màu, che hết tay chân. Với trẻ nhỏ ra ngoài nằm xe đẩy thì nên đi xe có màn che. Nằm màn khi ngủ, gia đình nên làm các rèm che, vật dụng chắn muỗi. Mở máy lạnh cũng giúp tránh muỗi.
Về thuốc bôi muỗi, BS Hải khuyến cáo cần sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cha mẹ không bôi lên vùng da kích ứng, vết thương hở, mắt, miệng của con.
Chẩn đoán nghi ngờ sốt xuất huyết ở trẻ
Trẻ có các triệu chứng sốt cao dưới 7 ngày, đau đầu vùng hốc mắt, đau cơ, đau khớp, phát ban xuất huyết; Bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm; Có ca bệnh sốt xuất huyết dengue gần nhà hoặc vừa đi du lịch đến vùng dịch về.
Ngoài ra, có một số đối tượng trẻ có nguy cơ cao cần đặc biệt chú ý, bởi có nguy cơ tiến triển bệnh nặng hay triệu chứng lâm sàng nặng hơn so với trẻ khác.
- Trẻ sơ sinh, nhũ nhi, trẻ suy dinh dưỡng hay béo phì: Đây là nhóm dễ có shock khi mắc sốt xuất huyết, shock dễ tiến tiển nhanh, nguy hiểm..
- Trẻ có các bệnh lý nền như ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, tim bẩm sinh, hen, bệnh lý huyết học, bệnh thận… Nhóm này mắc sốt xuất huyết có thể khiến bệnh nền diễn biến nặng lên, đặc biệt nhóm bệnh lý huyết học do tình trạng chảy máu của sốt xuất huyết gây ra.
- Trẻ sống một mình, gia đình không có điều kiện theo dõi: Đây là nhóm cân nhắc cho nhập viện theo dõi.