Mùa săn sâu đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ

01-01-2024 09:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Những ngày này, ngược lên các xã vùng cao huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) du khách có thể được thưởng thức món ngon chế biến từ sâu măng, đặc sản của nơi này.

Ai từng lên huyện miền núi Kỳ Sơn chắc hẳn đã được thưởng thức những món ăn được chế biến từ sâu măng: như sâu măng chiên giòn, rang với lá chanh, om dưa chua, xào măng, nướng...

Mùa săn sâu đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ- Ảnh 1.

Cánh rừng tre nứa ở huyện Kỳ Sơn, nơi người dân săn sâu măng.

Đúng như tên gọi, sâu măng là loại sâu sống trên cây măng, phổ biến là măng luồng trên nhưng cánh rừng tre, nứa rộng hàng trăm ha tại các xã Huồi Tụ, Tây Sơn, Mường Lống, Hữu Kiệm, Nhôn Mai... ở huyện Kỳ Sơn.

Khi trời chớm lạnh, những hạt mưa rừng tí tách là thời điểm sâu măng bắt đầu phát triển. Những ngày cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12 hàng năm, là khoảng thời gian người dân miền núi Kỳ Sơn vào rừng tìm sâu măng kiếm thêm thu nhập. Thời gian kéo dài cho đến qua Tết âm lịch khi cây tre và nứa còn non, sâu đang ăn phân tán trên ngọn. Vào mùa đông cây lớn hơn, ấu trùng bắt đầu xuống các đốt dưới gốc làm tổ là giai đoạn sâu to và béo nhất.

Mùa săn sâu đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ- Ảnh 2.

Một ngày, 'thợ săn' sâu có thể kiếm được 2 - 3 kg. (ảnh: LP)

Theo kinh nghiệm lâu năm của ông Hờ Nhìa Xồng (50 tuổi), người dân ở xã Huồi Tụ, muốn bắt được sâu măng, phải chọn những cây tre, nứa hơi cong queo, vỏ thâm, héo ngọn, mắt có u là những nơi mà sâu nhiều và béo nhất.

"Những cây tre, nứa bị sâu măng ăn đa phần sẽ hư hỏng. Do vậy việc chặt cây để lấy ấu trùng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh. Để có nguồn sâu măng dồi dào và thường xuyên, mọi người luôn nhắc nhau bảo vệ các cánh rừng tự nhiên", ông Xồng nói.

Bắt sâu không khó nhưng để bắt được nhiều phải tổn hao công sức. Để bắt sâu ra ngoài, khi chẻ thân cây, người thợ phải cẩn thận, nếu không lưỡi dao rẽ cứa đứt sâu măng đang nằm bên trong ruột rỗng. Với nứa, mỗi cây chỉ cho một con ấu trùng. Tre thì nhiều hơn, có gốc hàng chục con. Chẻ một cây mất khoảng 2-5 phút. Một ngày, mỗi người lấy được 2-3 kg sâu măng. Những chú sâu măng có màu trắng sữa, thân bóng nhẫy, to bằng đầu đũa, độ dài chừng hai đốt ngón tay.

Mùa săn sâu đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ- Ảnh 3.

Sâu măng sinh trưởng trong gốc cây tre.

Sâu măng luôn đắt hàng, người dân vừa mang gùi xuống núi đã có thương lái chờ sẵn bên các ngả đường để mua. "Mỗi ngày tôi lấy được khoảng 2 kg, thu về hơn 500.000 đồng. Nhà nào đông người thì lời 1-3 triệu đồng. Trung bình mỗi vụ, người dân có thêm thu nhập phụ 10-15 triệu đồng, ở những bản làng làm tốt công tác bảo vệ rừng nguồn thu còn cao hơn", ông Hờ Bá Xà (56 tuổi) ở xã Huồi Tụ nói.

Ngoài bán cho thương lái, một số người cất khoảng 5-7 lạng sâu măng về nhà chiên giòn, rang với lá chanh, om dưa chua, xào măng, nướng... Loài ấu trùng này được xem là đặc sản của vùng cao Nghệ An, ăn có vị béo và bùi, thường dùng để tiếp đãi khách.

Sâu măng rang chín có màu vàng ươm, thơm lừng như châu chấu rang, vỏ ngoài giòn giòn, ăn ngậy, béo và bùi tựa như nhộng tằm nhưng thơm hơn và không ngấy.

Sâu măng xào ăn mềm và hơi dai, có vị bùi và ngọt rất đặc trưng. Người chưa quen ăn lúc đầu có phần e dè, nhưng ăn rồi thì nghiền luôn bởi khó có thể cưỡng lại vị ngọt ngon của món ăn này.

Mùa săn sâu đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ- Ảnh 4.

Người dân chẻ thân cây tre, lấy sâu măng bên trong bỏ vào ống nứa đưa về bán.

Sâu măng có nhiều cách chế biến nhưng món ngon nhất, đơn giản và hấp dẫn là đem xào lá chanh. Cách chế biến khá đơn giản. Sâu măng rửa sạch, ướp muối, hạt nêm, cho dầu ăn vào chảo phi thơm hành củ băm, trút nhộng vào chảo đảo nhanh tay, khi thấy sâu măng chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ đảo đều. Thế là hoàn tất món sâu măng xào lá chanh.

Cũng bởi cái độc đáo của sâu măng khiến trong mỗi gia đình không thể thiếu món ăn chế biến từ sâu măng trong những ngày Tết truyền thống của người dân miền núi. Khi có khách quý đến nhà, vào mùa sâu măng cũng không thể thiếu được món ăn đặc biệt này. Món ăn "kỳ dị", có vẻ rất đơn giản nhưng có giá đắt hơn với thịt bò. Mỗi kg sâu măng giá từ 250-300.000 đồng/kg.

Mùa săn sâu đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ- Ảnh 5.

Vào mùa này sâu măng là món không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình ở Kỳ Sơn.

Mùa săn sâu đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ- Ảnh 6.

Sâu măng rửa rạch, chờ chế biến món ăn.

Sâu măng, vốn chỉ là món ăn dân dã của người dân vùng cao giờ đã trở thành đặc sản của núi rừng xứ Nghệ, món ăn được rất nhiều người ưa chuộng. Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, sâu măng trở thành đặc sản và là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng, nên được bày mặt tại tất cả các chợ ở Kỳ Sơn.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, từ món ăn ít phổ biến, khoảng 5 năm nay sâu măng đã trở thành hàng hóa được ưa chuộng, bán rộng rãi tại các chợ. Tuy nhiên, trung tâm khuyến cáo khi chẻ cây tre, nứa để lấy sâu cần chú ý bảo vệ rừng, chỉ lấy ấu trùng trong những cây bị sâu đục, tránh chặt bỏ tràn lan làm ảnh hưởng hệ sinh thái.

Món ăn gây sốc với nhiều người lại là đặc sản quý vùng Tây Bắc, có tiền cũng không dễ muaMón ăn gây sốc với nhiều người lại là đặc sản quý vùng Tây Bắc, có tiền cũng không dễ mua

SKĐS - Khi đã bị cuốn vào ẩm thực Tây Bắc thì sau những ngỡ ngàng là cuốn hút và mê mẩn, sâu tre cũng là một món ăn như vậy. Thực khách dưới xuôi đã được nếm thử, nếu đã gật gù thì lại mong có dịp thưởng thức. Chính vì thế, sâu tre trở thành một đặc sản dù có tiền cũng không dễ dàng mua được.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn