Mua sắm online mùa dịch: Coi chừng bị lừa

14-04-2020 18:16 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mua sắm trực tuyến lên ngôi với nhu cầu tiêu dùng cao của người dân, đặc biệt về các mặt hàng, đồ dùng, thiết bị y tế. Tuy nhiên, hình thức mua bán này cũng tiền ẩn nhiều kẽ hở và rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng.

Liên tiếp nhiều người bị lừa đảo mua hàng online

Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe cho người dân, thì vẫn có không ít đối tượng lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, từ đầu năm tới nay, Cục đã phối hợp với công an các đơn vị, địa phương xác minh có khoảng 200 trường hợp trục lợi thông qua việc đầu cơ hàng hóa, kinh doanh (KD) làm giả các mặt hàng thiết bị y tế; làm vô hiệu hóa hơn 100 hội nhóm trên các trang mạng xã hội có hoạt động đầu cơ, găm hàng, bán khẩu trang, thuốc khử trùng với giá cao, số lượng lớn để trục lợi.

Mới đây, ngày 8/4, Công an quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng phát thông báo tìm kiếm nạn nhân bị Dương Huỳnh Lộc (21 tuổi, ngụ P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ) lừa bán khẩu trang, nhiệt kế. Lộc cũng bị khởi tố, tạm giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra, Công an quận Cẩm Lệ xác định, trong thời gian qua với hình thức bán hàng trên facebook, Lộc lừa bán khẩu trang chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

Cũng với hình thức này, trước đó Công an tỉnh Thanh Hóa cũng xác nhận đối tượng Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1996, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), với thủ đoạn mời chào bán khẩu trang với số lượng lớn, Hương đã thu hút được rất nhiều người có nhu cầu vào hỏi mua. Nếu khách hàng muốn mua, Hương yêu cầu phải chuyển khoản để đặt cọc trước. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Hương liền xóa facebook cũng như cắt đứt liên lạc với bị hại. Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến lúc bị bắt giữ, đối tượng đã lừa đảo với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc lừa bán các thiết bị y tế, nhiều đối tượng còn chuyển sang hình thức tự pha chế, làm giả dung dịch nước rửa tay diệt khuẩn. Cụ thể, ngày 22/3, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Phòng Nghiệp vụ Công an TP. Hà Nội phát hiện một ổ nhóm 7 đối tượng tự thu mua, sản xuất dung dịch rửa tay diệt khuẩn trên địa bàn. Ngoài số lượng chai nước rửa tay đã được đóng chai, còn hàng nghìn vỏ chai nhựa các loại bị thu giữ.

Hình thức mua bán online tiềm ẩn nhiều kẽ hở và rủi ro cho người tiêu dùng.

Hình thức mua bán online tiềm ẩn nhiều kẽ hở và rủi ro cho người tiêu dùng.

Cần mạnh tay xử lý

Dư luận cho rằng, việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân khiến người dân không khỏi bức xúc và đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh tay để xử lý. Tình trạng lợi dụng bối cảnh xảy ra dịch bệnh để lừa đảo bán khẩu trang hay nước rửa tay nhằm trục lợi cũng là một thứ virus gây nguy hại cho môi trường KD cần phải xử lý nghiêm. Hành vi như trên không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức KD.

Qua những vụ việc trên, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng công an quận Hoàng Mai cho rằng: Người dân cần cảnh giác, tỉnh táo trước các thông tin, chiêu trò mời mọc mua bán khẩu trang trên mạng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu mua khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn, cần đến những cơ sở uy tín để mua, tránh mua bán qua mạng, nhất là với những đối tượng không quen biết, không nắm được nguồn gốc. Bên cạnh đó, người dân hãy nâng cao hiểu biết, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch, đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người cũng như rửa tay diệt khuẩn và đặc biệt là phải tuyệt đối cảnh giác trước những lời mời mua bán khẩu trang, nước rửa tay không rõ nguồn gốc, chất lượng...

Theo luật sư Phạm Huy Tuyến, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, các hành vi lừa đảo bán online như trên có đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có thể bị khởi tố hình sự nếu giá trị lừa đảo đủ lớn theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự thì số tiền bị chiếm đoạt có giá trị càng lớn thì người phạm tội sẽ càng phải chịu những hình phạt nghiêm khắc hơn. Nếu số tiền bị chiếm đoạt là dưới 50 triệu đồng thì người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 2-7 năm; còn từ 200 triệu đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì khung hình phạt là phạt tù từ 7-15 năm; và từ 500.000.000 đồng trở lên thì mức hình phạt là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Tuy nhiên, ngoài giá trị số tiền chiếm đoạt thì còn có nhiều tình tiết khác (có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt;...) cũng được quy định là các tình tiết tăng nặng, là căn cứ để xác định khung hình phạt cho người phạm tội.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn