Múa rối nước với văn hóa giao thông

28-03-2012 07:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam vốn đã là môn nghệ thuật cổ truyền độc đáo, nhưng nó càng độc đáo hơn khi mới đây, các nghệ sĩ đã sử dụng con rối gỗ vô tri vô giác tham gia vào dự án Văn hóa giao thông nhằm hưởng ứng lời kêu gọi phát động Năm an toàn giao thông 2012.

Nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam vốn đã là môn nghệ thuật cổ truyền độc đáo, nhưng nó càng độc đáo hơn khi mới đây, các nghệ sĩ đã sử dụng con rối gỗ vô tri vô giác tham gia vào dự án Văn hóa giao thông nhằm hưởng ứng lời kêu gọi phát động Năm an toàn giao thông 2012.
 
Đưa nghệ thuật múa rối nước tham gia vào tuyên truyền văn hóa giao thông là ý tưởng của giáo sư Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là người khởi xướng dự án Văn hóa giao thông từ 2 năm nay. Vốn là người nhiều năm gắn bó với văn hóa nghệ thuật dân tộc, ông hiểu rõ thế mạnh của loại hình nghệ thuật múa rối nước cổ truyền và ông đã đề xuất việc dùng loại hình nghệ thuật này tham gia vào việc tuyên truyền văn hóa giao thông.
 
 Những tiết mục và các con rối mới được sáng tạo để thể hiện đề tài văn hóa giao thông.
Lâu nay chúng ta vẫn cứ dùng rất nhiều hình thức để tuyên truyền văn hóa giao thông: sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, các hình thức truyền thông… nhưng bỗng một ngày kia, người dân được xem chú Tễu ra nói về văn hóa giao thông thì sẽ rất ấn tượng. Theo ông, đó là một cách khai thác vốn quí của truyền thống để diễn tả cuộc sống hôm nay, cũng là cách vừa bảo tồn, vừa phát huy nghệ thuật truyền thống.
 
Ý tưởng là một chuyện, nhưng thực hiện điều đó cũng không đơn giản. Từ hàng trăm năm nay, những con rối dường như đã mặc định là những nhân vật của làng quê. Giờ đây, để tham gia vào cuộc sống hiện đại, tạo hình con rối cũng phải thay đổi để phù hợp với nội dung chuyển tải. Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm là người trực tiếp xây dựng những trò rối tham gia trong chương trình nghệ thuật của dự án Văn hóa giao thông đã bộc bạch: Nghệ thuật rối nước đã làm mới cách tiếp cận của công chúng với văn hóa giao thông và cũng là tự làm mới mình phù hợp xu thế thời đại.
 
Để tạo ra những con rối như thế này là cả một quá trình mày mò và sáng tạo. Chẳng hạn trong tiết mục rối nước đua xe, phải tạo hình con rối là các trai thanh nữ tú đầu tóc nhuộm xanh đỏ tím vàng, quần áo model,  nhưng cái khó nhất là phải tính làm sao cho chàng thanh niên cầm lái đứng dậy được lúc đi xe bốc đầu, bỏ hai tay…
 
Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong diễn xuất cũng như việc sáng tác hay tìm chủ đề cho tiết mục, nhưng việc đưa múa rối nước vào tuyên truyền văn hóa giao thông được coi là ý tưởng mới và hiệu quả trong việc tuyên truyền về ý thức giao thông đến giới trẻ.  
Lan Hương

Ý kiến của bạn