Có lẽ trong kho tàng nghệ thuật dân gian Việt, múa rối nước là thứ “đặc sản” văn hóa không bao giờ phải lo đến chuyện tìm kiếm khán giả. Nhưng không vì thế mà việc quảng bá hình thức văn hóa này tại nước ngoài hoàn toàn dễ dàng đối với người làm nghề.
Môn nghệ thuật độc nhất vô nhị trên thế giới
So với múa rối thông thường, múa rối nước mang nhiều đặc điểm khác như: dùng mặt nước làm sân khấu, buồng rối nước hay còn gọi là thủy đình với cấu trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam.
Các “diễn viên” của bộ môn nghệ thuật này chính là điểm thú vị thu hút khán giả nước ngoài. Trước khi được đứng trên sâu khấu, mỗi con rối đều phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của những nghệ nhân. Chất liệu làm nên con rối cũng phải được kén chọn rất kỹ. Chúng thường được làm từ gỗ sung - một loại gỗ dai, nhẹ, dẻo để con rối có thể nổi trên mặt nước và người điều khiển con rối có thể dễ dàng biểu diễn.
Tuy nhiên, sự thành công hay thất bại của con rối nước phụ thuộc phần nhiều vào kỹ xảo điều khiển của nghệ sĩ. Tay nghề điều khiển con rối sẽ tạo ra những cử động, biểu cảm linh hoạt cho con rối. Sau bức màn che, các nghệ sĩ phải đứng suốt trong nước lạnh để điều khiển các con rối bằng hệ thống dây được bố trí bên ngoài và dưới nước. Chẳng mấy khi họ chịu “lộ diện” trên sân khấu nhưng công việc của họ khiến bất cứ khán giả nào cũng phải ngưỡng mộ. Chẳng thế mà múa rối nước Việt Nam nổi tiếng ở rất nhiều nước trên thế giới. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đều không thể bỏ lỡ những buổi xem rối nước truyền thống.
Vẫn lan tỏa trong và ngoài nước
So với nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác, múa rối nước có vẻ khó xuất ngoại hơn cả. Cứ nhìn vào những thứ đạo cụ của bộ môn này thì thấy người làm nghề sẽ phải đắn đo, suy nghĩ và chuẩn bị rất nhiều trước mỗi chuyến biểu diễn ở nước ngoài. Nhưng có lẽ khát khao mang tinh hoa, nghệ thuật truyền thống Việt đến khắp thế giới đã tạo nên sức mạnh để họ vượt qua mọi khó khăn. Sáng tạo của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm trong thời gian qua đã khiến người làm nghề và cả khán giả thay đổi suy nghĩ về môn nghệ thuật tưởng như rất khó xuất ngoại này. Anh đã nghĩ ra hình thức thu nhỏ sân khấu rối nước và chỉ cần hai người biểu diễn thuận lợi cho việc biểu diễn lưu động. Anh đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới như: Pháp, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... Và nhân dịp kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức chương trình Khám phá Việt Nam từ ngày 10-13/9. Ngay sau thành công của đêm diễn, nhận lời mời của Hội Việt kiều Việt Nam tại Anh, nghệ sĩ này tiếp tục biểu diễn phục vụ thiếu nhi, con em Việt kiều tại Anh nhân dịp Tết Trung thu.
Có thể nói tháng 9 năm nay, người trong giới trở nên “bận rộn” hơn với Liên hoan Múa rối châu Âu 2015, diễn ra tại thành phố Pilse, cách Thủ đô Praha (Cộng hòa Séc) khoảng 120km thu hút sự tham dự của các đoàn nghệ thuật đến từ 11 nước trên thế giới gồm: Australia, Nhật Bản, Argentina, Đan Mạch, Anh, Pháp, Phần Lan, Hà Lan, Hy Lạp, Bỉ và Việt Nam. Nhà hát múa rối nước Việt Nam được cử đi tham dự liên hoan, kỳ vọng sẽ tạo sự ngạc nhiên và hứng thú cho khán giả. Tự hào là quốc gia duy nhất có múa rối nước, điểm nhấn của liên hoan năm nay chính là đêm diễn 1/9, khán giả Cộng hòa Séc đã có cơ hội xem 10 tích trò tiêu biểu đến từ Việt Nam.
Nhìn vào sự thăng hoa của nghệ thuật múa rối nước, có lẽ các môn nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam cũng nên nghĩ đến yếu tố “linh động” nếu muốn phát triển và quảng bá tại thị trường quốc tế.
Hưng Vũ