Từ năm 1984, múa rối nước Việt Nam đã có những chuyến biểu diễn ở nước ngoài và đến nay thì chú Tễu đã đặt chân lên hầu khắp các châu lục trên thế giới. Khỏi phải nói sự tiếp đón nồng nhiệt của khán giả các châu lục đối với nghệ thuật múa rối nước bởi đó là nghệ thuật độc nhất vô nhị của Việt Nam. Ông Jean Luc Larguier - Giám đốc Tổ chức Interart Riviera vẫn còn giữ nguyên ấn tượng về múa rối nước Việt Nam trong suốt 30 năm qua, để mỗi khi có dịp ông đều lựa chọn môn nghệ thuật độc đáo này. Năm 2010, Tổ chức Interart đã hợp tác với đạo diễn Dominique Pitoiset (Giám đốc Nhà hát quốc gia Bordeaux) để làm Múa rối nước và sau 1 năm đã hoàn thành vở diễn Người thầy của những con rối, ra mắt đêm đầu tiên tại Nhà hát quốc gia Bordeaux vào tối 15/11/2011. Khán giả Pháp vô cùng thích thú, thán phục sự lung linh kỳ áo của múa rối nước Việt Nam.
Thành công đó đã ấp ủ trong ông dự định thực hiện Dự án về Truyện cổ tích Andecxen bằng múa rối nước với Nhà hát Múa rối Việt Nam. Lựa chọn thời điểm năm Việt Nam tại Pháp để thực hiện dự án, trình diễn ngay tại Thủ đô Paris – một trung tâm văn hóa lớn sẽ thêm một lần nữa Múa rối nước của Việt Nam được giới thiệu rộng rãi với công chúng Pháp.
Ông Jean Luc Larguier. |
Đại văn hào Andecxen thì có hàng trăm câu chuyện cổ tích, nhưng những người làm chương trình Truyện cổ tích Andecxen đã lựa chọn 3 câu chuyện: Chú lính chì dũng cảm, Vịt con xấu xí và Nàng tiên cá để dàn dựng. Thực ra thì từ năm 2005, Nhà hát múa rối Việt Nam cũng đã đưa những câu chuyện của Andecxen vào múa rối nước nhưng chưa được biểu diễn. Chính ông Larguier là người đã tạo cơ hội cho những câu chuyện của Andecxen hồi sinh sau 8 năm im lìm.
Vẫn là kịch bản của họa sĩ Ngô Quỳnh Dao, nhưng ở lần hợp tác này với mục đích là biểu diễn tại Pháp, phục vụ công chúng Pháp nên vở diễn đã được "Pháp hóa", chẳng hạn phải thay riđô của thủy đình bằng tre sang bằng dây, phải tạo hình lại các con rối để có thể biểu diễn được ở mực nước 50 centimet, phải thiết kế lại ánh sáng... Họa sĩ Ngô Quỳnh Dao đã phải mất 6 tháng để làm những công việc này. Một số chi tiết trong kịch bản được NSƯT Nguyễn Tiến Dũng chỉnh sửa cho phù hợp. Phần âm nhạc cũng được làm lại bởi nhạc sĩ Henry Togue (người Pháp).
Chọn Truyện cổ Andecxen để làm dự án hợp tác nghệ thuật cũng là một thuận lợi lớn bởi đó là những câu chuyện quá quen thuộc với nhiều quốc gia, vì thế êkíp Pháp và Việt Nam làm việc với nhau dễ dàng hơn.
Khác với Người thầy của những con rối được làm bởi đạo diễn người Pháp, chương trình Truyện cổ tích Andecxen được thực hiện bởi đạo diễn gạo cội Ngô Quỳnh Dao kiêm tác giả kịch bản, họa sĩ tạo hình nên đã được xây dựng thành một chương trình có ý tưởng đầy ý nghĩa, đề cao sự nhân đạo với thông điệp về hòa bình. Ba câu chuyện được chọn ngoài mấu chốt là có yếu tố nước - thuận lợi cho múa rối nước, họa sĩ Ngô Quỳnh Dao đã làm đầy thêm câu chuyện bằng cách tăng thêm các yếu tố sân khấu làm cho các tiết mục sinh động, hấp dẫn và gần gũi hơn với người xem. Ở những tiết mục này, múa rối nước đã thực hiện những câu chuyện phức tạp hơn, ly kỳ hơn, gần với cuộc sống hiện tại.
Lan Hương