Múa rối đang cần gỡ rối

13-04-2014 07:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Múa rối nước Việt Nam đã đi biểu diễn gần 100 nước trên thế giới để giới thiệu những nét độc đáo của môn nghệ thuật độc nhất này.

Nếu cứ nhìn vào các đoàn xe liên tiếp đưa khách du lịch đến xem biểu diễn múa rối tại nhà hát(NH) Múa rối Thăng Long và NH Múa rối Việt Nam thì hẳn nhiều người lạc quan. Năm 2013, NH Múa rối Thăng Long vinh dự được nhận danh hiệu Nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn liên tục 365 ngày trong năm, chưa kể múa rối nước Việt Nam đã đi biểu diễn gần 100 nước trên thế giới để giới thiệu những nét độc đáo của môn nghệ thuật độc nhất này.

Sự lệch pha giữa múa rối cạn và múa rối nước

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: Phải xây dựng những đơn vị nghệ thuật múa rối phục vụ thiếu nhi. Cả một giai đoạn dài múa rối cạn giữ vị trí chính yếu của nghệ thuật múa rối Việt Nam với những hình thức rối que, rối dây, rối người chủ yếu phục vụ đối tượng thiếu nhi. Múa rối nước khi đó chỉ tồn tại lay lắt bên lũy tre làng với những trò diễn cổ truyền mô phỏng đời sống của người nông dân Việt Nam gắn với nền văn minh lúa nước.

Thế nhưng, từ những năm đầu 1980, múa rối nước đã được phục hồi, thử nghiệm và đưa vào chương trình biểu diễn của một số đoàn rối chuyên nghiệp. Những con rối đơn sơ thi thoảng bì bõm trong ao làng mỗi khi có hội hè nay được “thẩm mỹ” lại, vẫn là chú Tễu, vợ chồng bác nông dân trên cánh đồng, chú bé mục đồng... nhưng đã nuột nà hơn, sinh động hơn. Kỳ lạ thay, vẫn chỉ là mười mấy trò cổ xưa quá quen thuộc của cha ông để lại: Tễu giáo đầu, tứ linh, múa sư tử, chăn vịt, đuổi cáo, cày bừa, bát tiên, múa công, máu rồng, Lê Lợi hoàn gươm... nhưng khi đưa vào chương trình biểu diễn của một số đoàn múa rối chuyên nghiệp đã lột xác thành những tiết mục hấp dẫn, cuốn hút. Đặc biệt, năm 1984 đã trở thành dấu mốc chói sáng khi các nghệ sĩ NH Múa rối Trung ương lần đầu tiên mang múa rối nước sang Pháp và Ý biểu diễn - dư chấn mạnh mẽ mà múa rối nước tạo được ở hai trung tâm văn hóa nghệ thuật đưa múa rối nước lên vị thế mới. Kể từ đó, múa rối nước được bước lên đỉnh cao của nghệ thuật Múa rối Việt Nam và như một lẽ tất nhiên, múa rối cạn dường như bị trôi dạt, khuất lấp trong đời sống sân khấu hôm nay.

Thế là vài thập kỷ nay, chức năng phục vụ thiếu nhi của nghệ thuật múa rối đã bị xem nhẹ. Những câu chuyện giáo dục lòng tốt, lòng dũng cảm, tiêu diệt cái ác, thói tham lam... cho các em thiếu nhi thông qua phương tiện truyền tải bằng múa rối cạn dần dần vắng bóng. Thế nên, thi thoảng, các vở múa rối cạn đề tài cho thiếu nhi xuất hiện thì chưa được đầu tư về dàn dựng và biểu diễn. Nhiều tiết mục rơi vào sự mô phỏng sân khấu kịch, bắt con rối biểu diễn tình cảm phức tạp, trò ít, lời nhiều, giáo lý khô khan, khiên cưỡng không phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Hình thức biểu diễn thì cũ kỹ, lạc hậu.

Thực tế thì trên mặt bằng chung, múa rối nước đang ăn nên làm ra, đặc biệt ở NH Múa rối Thăng Long và NH Múa rối Trung ương, sân khấu sáng đèn liên tục, có những ngày 3 - 4 suất diễn, nhưng đối tượng phục vụ của múa rối hiện nay cũng đang bị lệch pha – múa rối hiện nay chủ yếu đang phục vụ khách du lịch.

Nghệ thuật múa rối đang rất thiếu đội ngũ kế thừa

Đó là nỗi trăn trở lớn nhất của vị Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam buộc ông phải thốt thành lời tại cuộc hội thảo khoa học: “Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới”. Theo nhìn nhận của ông, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nghệ thuật múa rối đang thiếu đội ngũ kế thừa về biên kịch, đạo diễn, tạo hình. Lực lượng hoạt động lĩnh vực múa rối hiện nay đa phần chỉ là những người mới biết nghề, tính chuyên nghiệp chưa cao. Không có tác giả chuyên nghiệp sáng tác kịch bản, lực lượng họa sĩ tạo hình cũng chỉ có vài người. Lớp diễn viên múa rối có kinh nghiệm thì tuổi đời đã cao, còn lực lượng diễn viên trẻ kế cận được tuyển từ trường thì khâu đào tạo còn nhiều bất cập vì thiếu giáo trình, thiếu thầy giỏi, thiếu điều kiện về sân khấu, đạo cụ..., khi ra trường vẫn còn nhiều lúng túng.

Là người quản lý một NH giữ kỷ lục về số buổi biểu diễn hiện nay nhưng NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn - Giám đốc NH Múa rối Thăng Long dường như chưa thỏa mãn về nhiều lẽ. Theo ông, tình trạng các NH từ chuyên nghiệp đến các phường cổ truyền diễn giống nhau cùng một chương trình dễ tạo cảm giác nhàm chán với người xem. Có những khán giả quốc tế xem đến lần thứ 2 - 3 rất muốn chương trình thay đổi. Thế là để làm phong phú thêm chương trình biểu diễn, NH đã xây dựng các chương trình múa rối nước mới, vẫn lấy chất liệu rối nước truyền thống làm nền tảng nhưng nội dung trò diễn thay đổi, mở rộng về không gian, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán văn hóa đa dạng. Bên cạnh đó còn đưa các làn điệu dân ca, hát cung đình Huế, hát văn vào trò diễn nhận được sự hưởng ứng của người xem, đặc biệt là khán giả Việt kiều. Thế nhưng lại cũng có nhiều ý kiến cho rằng múa rối nước chỉ nên diễn các tích trò cổ đặc sắc vốn có mà thôi. Xem ra đối với múa rối nước, yêu cầu vừa bảo tồn, vừa phát triển không hề đơn giản.

Cũng theo ông Hoàng Tuấn, từ nhiều năm nay, múa rối cạn không có đạo diễn nào được đào tạo chính qui, toàn là đạo diễn sân khấu chuyển sang. Tác giả kịch bản cũng vậy.

Nguyên là Giám đốc NH múa rối Trung ương, ông Ngô Quỳnh Dao riết róng về thực trạng hiện nay: Chúng ta đang đứng trước tình trạng cạn kiệt nhân lực. Nếu không kịp bổ sung, nhất định sân khấu múa rối sẽ có giai đoạn rơi vào trì trệ, yếu kém, có thể kéo lùi sự phát triển mươi, mười lăm năm. Vốn là người trực tiếp làm nghề, ông không khỏi băn khoăn về những buổi biểu diễn phục vụ tour du lịch. Theo ông, kinh tế đã làm suy yếu nghệ thuật. Những buổi biểu diễn hợp đồng này chất lượng nghệ thuật không đảm bảo, đấy là sản phẩm du lịch chứ không phải sản phẩm nghệ thuật vì nó được làm hàng loạt, cẩu thả, hàng chợ. Các show diễn như vậy vẫn diễn ra đều đều, nó vẫn quảng bá văn hóa truyền thống với khán giả nước ngoài và quan trọng là con số doanh thu khá ấn tượng. Nhưng đối với nghệ thuật, kiểu diễn “Trạng Quỳnh” này dần dà làm hỏng diễn viên, sự tinh tế không còn.

Là người làm công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, GS. Hoàng Chương cho rằng không nên “bồn hóa sân khấu múa rối nước”, nên trả múa rối nước về mặt nước tự nhiên như nó từng hình thành và phát triển, đó là ao hồ ở đồng quê. Theo ông, cách tân, đổi mới SK múa rối nước dân gian là cần thiết, song không được làm biến dạng, làm mất bản sắc của môn nghệ thuật độc đáo mà thế giới gọi là độc nhất vô nhị. Cái hay, cái độc đáo, cái khác lạ, tính hấp dẫn của múa rối nước là con rối bằng gỗ làm trò trên mặt nước ao hồ. Vì thế, bây giờ, làm những vở thể nghiệm múa rối nước kết hợp với con người, với nghệ thuật sắp đặt (rõ nhất là vở Hồn quê) đã làm mờ bản sắc của múa rối nước.

Khi nào múa rối nước được công nhận là Di sản văn hóa dân tộc?

Lâu nay, những tưởng nghệ thuật múa rối đã “yên bề gia thất” khi mà thỉnh thoảng báo giới lại đồng loạt thông tin về các đơn vị múa rối vừa có chuyến biểu diễn thành công rực rỡ ở trời tây. Tại hai TP lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì múa rối nước cũng hoạt động rầm rộ. Nhưng có nghe bức xúc của người trong cuộc mới thấy sân khấu múa rối đang tồn tại nhiều bất cập, có nhiều vấn đề cần gỡ rối, đặc biệt là báo động đỏ về đào tạo đội ngũ làm nghề.

Hiện nay, các tích trò cổ của cha ông để lại ở các phường rối rất phong phú, còn nhiều trò diễn lạ mà các đoàn Trung ương chưa khai thác được. Phần vì các phường rối cổ truyền đều bí mật, chỉ một vài nghệ nhân cao niên nắm bí quyết nên khi các cụ mất đi, trò đó cũng thất truyền. Phần khác thì các phường rối chưa được đầu tư phát triển nên chưa phát huy được vốn quí, các nghệ nhân chưa được công nhận danh hiệu. Cho đến nay, cả ngành múa rối cũng mới chỉ có 1 NSND là Nguyễn Thùy Trang (NH Múa rối Việt Nam). Với những đặc điểm lạ và nổi trội, ngành sân khấu đang đặt kế hoạch trình UNESCO công nhận múa rối nước là Di sản văn hóa của nhân loại. 

Tố Lan


Ý kiến của bạn