Múa rối cạn cần lối đi riêng

14-01-2017 10:22 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Tuy không phổ biến như múa rối nước nhưng những màn múa rối trên cạn vẫn có sức hấp dẫn riêng.

Tuy không phổ biến như múa rối nước nhưng những màn múa rối trên cạn vẫn có sức hấp dẫn riêng. Rối cạn cũng đang ngày càng khẳng định vị trí của mình với nhiều tác phẩm chất lượng đoạt giải thưởng tại các kỳ liên hoan quốc tế. Nhưng nếu không được quan tâm đầu tư kinh phí thì nghệ thuật múa rối cạn sẽ bị mai một dần.

Vẹn nguyên sự độc đáo

Múa rối cạn có nhiều hình thức biểu diễn như rối tay, rối que, rối dây, rối bóng... Phần lớn các tích trò thường sử dụng làn điệu chèo, ca trù, tuồng để dẫn trò và biểu diễn. Những con rối tay thường được làm bằng gỗ. Nghệ nhân điều khiển con rối, lấy nội dung, nhân vật trong các truyện cổ tích, thần thoại... hoặc các nhân vật như cu Tí, cu Tèo, chú bộ đội, bác nông dân... trong cuộc sống đời thường. Trên sân khấu rối cạn, những loài động vật, cây cối, nhà cửa đều trở nên sinh động, có hồn và phong phú qua tài năng của những nghệ sĩ điều khiển rối.

Ra đời từ hơn 200 năm trước, rối que trở thành nét văn hóa độc đáo của người Tày ở Thái Nguyên. Con rối được điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân. Dụng cụ biểu diễn rối que rất đơn giản, gồm một tấm phông căng lên làm sân khấu, một bộ rối khoảng 13 con, thêm chiếc đàn tính, cây sáo và một vài bài giáo. Tất cả hòa quyện tạo nên một vở kịch độc đáo, hấp dẫn người xem. Những khúc gỗ thô kệch, mộc mạc qua bàn tay đẽo gọt và điều khiển của những nghệ nhân đã trở nên linh hoạt và sống động lạ thường. Trong biểu diễn rối que, người Tày thường kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then tạo nên một vở kịch độc đáo, thu hút người xem.

Không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân tộc Tày, múa rối cạn còn mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc. Thông qua hình thức diễn xướng này, người biểu diễn muốn chuyển tải thông điệp yêu lao động, ca ngợi những người chăm lao động, chê bai những kẻ lười biếng, khuyên người dân biết giữ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đoàn kết gắn bó trong lao động sản xuất và đời sống thường nhật.

Nếu không được quan tâm đầu tư kinh phí thì nghệ thuật múa rối cạn sẽ bị mai một dần.

Cùng với rối que của dân tộc Tày, một loại hình múa rối khác cũng rất nổi tiếng. Vùng Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) từ lâu đã được mệnh danh là “đất trăm nghề” với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Nơi đây còn lưu giữ được một vốn di sản quý báu, đó chính là nghệ thuật rối đầu gỗ “Ổi lỗi” chùa Đại Bi, hay còn gọi là hát và múa rối hầu thánh. Đây là loại hình rối cạn độc đáo “có một không hai” của miền Bắc. Nét đặc biệt của rối Ổi lỗi là nó chủ yếu được biểu diễn “hầu thánh”, tức là múa rối để cho các “thánh” xem. Rối đầu gỗ chùa Bi sống động, tươi vui, song chính vì mang đậm tính chất lễ nghi, thờ cúng nên những hành động và tiến trình của lễ hội không thể tự do như rối cạn thông thường mà phải tuân theo quy tắc riêng nhất định.

Thực tế, rối đầu gỗ chùa Bi cũng đã từng đi diễn ở Thủ đô và được Viện Âm nhạc về ghi hình làm tư liệu. Nhưng chừng đó chưa đủ để được gọi là hoạt động quảng bá và bảo tồn hiệu quả. Nguy cơ mai một thứ di sản nghệ thuật dân gian hơn 400 năm tuổi là điều có thật!

2 mặt của sức ép

Bên cạnh câu chuyện buồn của rối cạn dân gian thì nghệ thuật múa rối cạn nói chung cũng đang gặp nhiều áp lực. Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, các chuyên gia sân khấu cũng cho biết, việc đào tạo diễn viên múa rối cho rối cạn theo hình thức “vay mượn” hiện nay cũng là một “vướng mắc” khó tháo gỡ. Theo đòi hỏi của loại hình nghệ thuật này, việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ cho múa rối cạn thường là tuyển nghệ sĩ từ các bộ môn chèo, kịch nói, ca nhạc... rồi sau đó mới đào tạo thêm về nghiệp vụ múa rối cạn. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc rối cạn khó tuyển dụng những diễn viên có “tầm” ngay từ ban đầu.

Khác với rối nước có thế mạnh là loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc và chỉ có duy nhất ở Việt Nam, rối cạn luôn có rất nhiều “đối thủ” vì loại hình này phát triển rất mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, sức ép có nhiều đối thủ cũng là một động lực để rối cạn nỗ lực hơn trong việc tạo nét hấp dẫn riêng trong quá trình xây dựng tiết mục. Hơn nữa, rối cạn của Việt Nam còn có lợi thế rất lớn, đó là các nghệ sĩ có thể đưa thêm các tích, trò từ rối nước sang, điều này sẽ tạo được nét riêng mà không quốc gia nào có được khi tham gia các liên hoan trong khu vực và quốc tế.

Nhìn chung, rắc rối và khó khăn của môn nghệ thuật này không phải là không có cách tháo gỡ. Nhưng làm thế nào để nghệ thuật múa rối cạn trở thành món ăn tinh thần vô giá dành cho khán giả Việt nói riêng, khán giả quốc tế nói chung thì cần một định hướng và chiến lược hiệu quả.


Vũ Quang
Ý kiến của bạn