Mùa Phật đản, ngắm hoa súng đẹp nở rộ và các món ngon từ hoa súng

27-05-2023 11:10 | Đời sống

SKĐS - Mùa Phật đản vào chùa Long Hưng ở Đông Anh, Hà Nội, các bạn sẽ bất ngờ được thưởng hoa đẹp, học được những món lạ mà ngon, dễ làm từ hoa súng - vốn là đặc sản miền Tây.

Vài nét về hoa súng để làm món ăn đặc sản miền Tây

Mùa Phật đản có dịp đi lễ ở chùa Long Hưng (Đông Anh, Hà Nội). Dưới nắng sớm ngày hè chuôm hoa súng nở đầy bông tím, trắng, hồng nổi bật giữa nền ao và lá màu xanh nâu. Các bà vãi người cắt - bó cọng súng, người bì bõm dưới chuôm thu hái cọng súng...

Bà Nguyễn Thị Mạnh – Trưởng chúng của chùa Long Hưng vừa trò chuyện, vừa vớt những cọng súng dài ngoằng lên đưa cho các vãi già trên bờ cắt lá, rồi xếp thành mớ. Các vãi ở chùa thu hái cọng súng không bán, mà ai muốn ăn thì bỏ tiền vào hòm công đức của nhà chùa.

Bà Nguyễn Thị Khơi đang mải miết cắt cọng súng cho biết, chuôm hoa súng này do bà Mạnh làm từ lúc thả giống, tới mùa nở rộ thì có một sư thầy ở miền Nam ra đã hướng dẫn cho các vãi cách thu hoạch cọng hoa súng và chế biến thành những món ăn ngon kiểu miền Tây. Từ đó người dân vùng này biết ăn các món làm từ hoa súng.

Bất ngờ được thưởng hoa đẹp, ăn đặc sản miền Tây tại chùa Long Hưng - Ảnh 2.

Dưới nắng sớm ngày hè các vãi người cắt bó cọng súng, người bì bõm dưới chuôm thu hái cọng súng...

Nhiều người tưởng tước cọng hoa súng sẽ khó như rau bí nên ngại, nhưng thực tế vỏ cọng hoa súng dóc và rất dễ tước, 1 mớ cọng hoa súng to tướng tước một lúc là xong để chế biến thành các món ẩm thực rất ngon.

Rễ và thân, lá cây hoa súng một phần nằm trong nước, bông hoa thì nhô khỏi mặt nước thành cây cảnh khá đẹp mắt trong ao chuôm, chậu, chum... Bông súng nở hoa có hương thơm thoang thoảng mát lành, tạo cảm giác thư thái, bình an. Bông nở từ sáng đến trưa, khoảng 3 ngày thì tàn. Cây hoa súng tái sinh nhanh, chăm sóc tốt sẽ ra hoa quanh năm, tạo khung cảnh đẹp ấn tượng cho tiểu cảnh nhà ở, cảnh quan sân vườn, nội - ngoại thất quán cafe...

Bất ngờ được thưởng hoa đẹp, ăn đặc sản miền Tây tại chùa Long Hưng - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Mạnh - Trưởng chúng chùa Long Hưng là người đầu tiên đưa hoa súng vào gieo trồng để thành món ẩm thực lạ miệng, dễ ăn trong chùa. Ảnh: Hà Dương

Hoa súng có nhiều màu sắc (xanh, đỏ, trắng, lam nhạt) đều rực rỡ, hình dáng đẹp mắt, sức sống cao và nhiều giá trị tốt đẹp nên một số nước Đan Mạch, Sri Lanka, Bangladesh, Ai Cập… đã tôn hoa súng làm quốc hoa.

Trong Đông Y, cây hoa súng là vị thuốc hỗ trợ an thần, cải thiện bộ nhớ, điều trị rối loạn thần kinh, trầm cảm, các vấn đề về đường tiêu hóa (như đầy hơi khó tiêu, rối loạn dạ dày, tiêu chảy, kiết lị, ngừa táo bón và các rối loạn tiêu hóa nội tạng...), trị rối loạn đường tiểu, tiểu đường, tiểu buốt, trợ tim, cầm máu nhanh, thanh nhiệt, chống say nắng, trị mất ngủ, bệnh gan, giảm đường/mỡ trong máu, trị bệnh parkinson, cải thiện tình trạng bệnh tối đa…

Trong phòng the cây hoa súng được chế thành các món ăn bài thuốc ngon miệng, tốt cho sức khỏe nhờ rất giàu chất dinh dưỡng - được cho là có tác dụng hơn Viagra thời nay, hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam và nữ giới...

Hoa súng còn được dùng chữa chứng mộng tinh, di tinh, viêm thận, đau lưng, giảm căng thẳng, thúc đẩy sự thư giãn, mang lại cảm giác hưng phấn và một giấc ngủ thư thái…

Trẻ em bị co giật, phụ nữ bị khí hư đều có thể dùng hoa súng hỗ trợ điều trị hiệu quả. Phụ nữ còn dùng cây hoa súng làm mỹ phẩm cân bằng độ nhờn, làm chế phẩm chăm sóc da hiệu quả để có làn da đẹp. Các bài thuốc từ hoa súng trong dân gian khá nhiều, nhưng cần có tư vấn của bác sĩ về liều lượng, cách dùng cụ thể, không lạm dụng hay tự ý thay đổi bài thuốc.

Cả cây hoa súng đều có thể dùng hết, thân, hoa thì để ăn. Củ thì làm thuốc. Ngay lá hoa súng cũng có ích bởi các bà vãi tận dụng đắp vào các gốc cây trong chùa, vừa giữ nước cho cây ngày nắng nóng, vừa làm phân bón cho cây khi lá hoai mục.

Bất ngờ được thưởng hoa đẹp, ăn đặc sản miền Tây tại chùa Long Hưng - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Khơi vừa cắt cọng súng, vừa kể về vị sư miền Nam dạy dân ăn bông súng. Ảnh: Hà Dương

Những món ăn ngon dễ làm từ hoa súng

Cây hoa súng chế biến thành nhiều món ẩm thực ngon, tốt cho sức khỏe nhờ rất giàu chất dinh dưỡng.

Khi sơ chế hãy ngâm cọng hoa súng vào thau nước, dùng đũa khuấy đều cho sạch lông tơ rồi hãy chế biến món ăn.

Hoa súng làm rau ăn sống: Cọng súng chẻ thật mỏng làm thành rau sống, ăn với mắm kho.

Xào/ luộc hoa súng: Có thể xào chung bông súng với một số món rau khác để tăng giá trị dinh dưỡng cho các món ăn.

Bất ngờ được thưởng hoa đẹp, ăn đặc sản miền Tây tại chùa Long Hưng - Ảnh 6.

Lá hoa súng cũng rất có ích cho cây cối. Ảnh: Hà Dương

Đặc sản miền Tây - gỏi tôm thịt hoa súng

- Thịt heo và tôm đất sơ chế sạch, luộc chín rồi cắt nhỏ.

- Tước sạch vỏ cọng súng rồi để nguyên (hoặc chẻ nhỏ).

- Trộn thịt heo và tôm đã luộc ở trên với bông súng, nêm bột canh, đường, nước mắm và ớt vào trộn đều.

Trút ra đĩa, rắc rau thơm và đậu phộng lên trên và thưởng thức.

Canh bông súng nấu tôm - đặc sản miền Tây ngon và dễ làm

Nguyên liệu

100g tôm sú

2 bông hoa súng

200g cọng hoa súng

Cà chua, ớt sừng, hành, tỏi băm, rau om, gia vị

Cách làm

Sơ chế tôm sạch, bóc vỏ tôm và bằm nhỏ, ướp với bột ngọt và chút tiêu.

Hoa súng rửa sạch.

Cọng súng tước vỏ, cắt khúc, rửa sạch.

Cà chua xắt múi cau và hạt lựu.

Rau om và ngò gai cắt nhỏ.

Phi thơm hành tỏi băm rồi cho cà chua xắt hạt lựu vào xào mềm thì đổ 1 lít nước sôi vào. Nêm gia vị vừa ăn, thả cọng súng vào đảo đều.

Thả tiếp bông súng vào rồi tắt bếp.

Món ăn làm từ hoa súng tùy khẩu vị đặc trưng vùng miền mà chế biến cho phù hợp, nhưng cần đảm bảo tươi ngon mới giữ được nhiều dinh dưỡng vốn có, đảm bảo món đặc sản miền Tây lạ miệng, ăn ngon, tốt cho sức khỏe.

Vài món ăn bài thuốc dân gian từ hoa súng

- Nấu hoa súng: Dùng 30 – 40g hoa súng sấy khô, tán bột uống 10 – 20g/ngày trị đau lưng, mỏi gối, tiểu nhiều, tiểu không tự chủ. Nam giới bị di tinh, trẻ em bị co giật.

- Củ súng, kim anh: Bỏ lớp hạt quả ở trong, lấy lớp vỏ bao bọc quả ở ngoài. Đốt sạch lông gai, giúp chúng giòn hơn. Tán bột uống mỗi ngày từ 15 – 20g để chữa chứng di tinh ở nam giới và khí hư nhiều ở nữ.

- Chữa suy nhược cơ thể: Dùng 400g củ súng nấu chín, bóc vỏ. 800g củ mài luộc chín, bóc vỏ. Sau đó, phơi khô chúng và tán nhuyễn. Mỗi lần dùng khoảng 10g để nấu thành cháo ăn hàng ngày - trị chứng suy nhược cơ thể, đổ mồ hôi trộm...

- Nấu chè củ súng giúp giải cảm hiệu quả.


Ngọc Hà
Ý kiến của bạn