Hà Nội

Mua nước sạch sông Đuống: Nghịch lý “bắt” dân gánh hộ doanh nghiệp lãi vay ngân hàng?

15-11-2019 07:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết, nhà đầu tư dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng khoảng 3.995 tỷ đồng.

Khi dự án này hoàn thành, đưa vào sử dụng, tính giá nước thì chi phí lãi vay này sẽ phải được tính vào giá nước. Về việc này, nhiều ý kiến băn khoăn rằng có hay không Hà Nội ưu ái Công ty Nước mặt sông Đuống?

Căn cứ vào đâu nói nước sông Đuống cao hơn sông Đà?

Trả lời câu hỏi của báo chí về lý do vì sao giá nước sạch sông Đuống cao hơn nhiều so với nước sạch sông Đà. Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75, nhưng giữa các nhà máy có rất nhiều yếu tố khác nhau, công nghệ nhà máy khác nhau, dẫn đến suất đầu tư của nhà máy khác nhau. Ví dụ tại thời điểm Nhà máy sông Đà đi vào hoạt động năm 2009 thì giá tài sản đưa vào để tính khấu hao của nhà máy là 1.555 tỷ đồng, nhưng công nghệ và giá đầu tư của Nhà máy Nước mặt sông Đuống trong quyết định phê duyệt đầu tư của thành phố được xác định là 4.998 tỷ đồng.

nước sạch sông ĐuốngNhà máy nước mặt sông Đuống.

Lý giải vì sao TP Hà Nội lại phê duyệt giá nước mua từ Công ty Nước mặt sông Đuống với giá tạm tính là 10.246 đồng/m3. Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Giá này đã tính đúng, tính đủ theo văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính quy định, gồm chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%...

Theo ông Hà, lãi vay cũng ảnh hưởng đến giá nước. Nhà đầu tư  dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng số cụ thể là khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đi vào sử dụng tính giá nước thì chi phí lãi vay sẽ phải được tính vào trong giá nước.

Vấn đề đặt ra là, Hà Nội phải trả lời rõ cho dư luận về những căn cứ để đưa ra mức giá tối đa 10.246 đồng/m3. Bởi khi thông tin không đầy đủ sẽ không thuyết phục được người dân bị buộc phải mua nước theo sự lựa chọn của TP Hà Nội. Trong khi đó, nước của Nhà máy sông Đà chỉ có giá hơn 7.000 đồng/m3 mà đã có lãi, mà sông Đuống lại cao hơn?

Dư luận cho rằng nói như kiểu ông Hà là căn cứ vào quy mô đầu tư và suất đầu tư khác nhau, công nghệ khác nhau... nhưng chất lượng của nguồn nước có khác nhau không? và căn cứ vào đâu để nói rằng nước sông Đuống hơn nước sông Đà? Câu hỏi này đang bị bỏ lửng... chưa có câu trả lời!

Hà Nội có ưu ái Công ty Nước mặt sông Đuống?

Việc Hà Nội đề xuất mua nước sạch sông Đuống giá cao đang đặt ra rất nhiều vấn đề về tính công khai, minh bạch. Có ưu ái gì ở đây không? Theo các chuyên gia kinh tế, nước là mặt hàng thiết yếu, có sự kiểm soát của Nhà nước. Do đó, cần phải lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, trong đó có năng lực tài chính; Đừng vì không có vốn, phải đi vay với lãi cao, đẩy giá thành cao rồi bắt người mua phải gánh. Không thể nói do quy mô đầu tư cao, suất đầu tư cao nên tác động tới giá thành. Bởi quy mô lớn là một lợi thế và khi quy mô lớn, công suất lớn, sản lượng lớn thì giá thành phải giảm mới đúng.

nước sạch sông ĐuốngÔng Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, điều quan trọng phải là chất lượng, môi trường, giá thành hợp lý, nếu rẻ nhất thì càng tốt. Còn việc nhà đầu tư muốn đầu tư thế nào, đầu tư bao nhiêu là việc của nhà đầu tư. Thế nên, cần gì phải bàn là phải trả lãi vay bao nhiêu. Nếu tăng giá thì anh phải có lý giải thuyết phục và giá đó không thể cao hơn mặt bằng chung. Còn nói tăng giá nước do có hơn 2.000 đồng để trả lãi vay thì rất khó chấp nhận”, ông Sinh nhận định.

Cũng theo ông Sinh, vấn đề quan trọng nhất ở đây là đấu thầu, đấu giá cuối cùng của sản phẩm đầu ra một cách công bằng, minh bạch nhất. Giá nước sạch không minh bạch sẽ dễ xảy ra một số trong tình trạng như BOT. Trước thông tin nghi vấn về sự cạnh tranh không lành mạnh trong câu chuyện tăng giá nước sông Đuống. Để làm rõ có hay không việc “thiên vị” hay cạnh tranh không lành mạnh, tốt nhất nên mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán cho rõ ràng và thông tin cho người dân để tạo sự đồng thuận.

Được biết, trước lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy Nước mặt sông Đuống 4 ngày, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy vậy, ngày 5/9, Nhà máy Nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành rầm rộ. Đến 13/10, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy này. Nhiều ý kiến đang nghi ngờ rằng có sự “ưu ái” quan tâm đặc biệt gì của Hà Nội đối với Công ty Nước mặt sông Đuống không?


Lâm Viên
Ý kiến của bạn