Mùa nóng, cần đề phòng nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

05-07-2022 13:45 | Y học 360
google news

SKĐS - Vi khuẩn tụ cầu có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên, gây nhiều bệnh , đặc biệt là mùa nắng nóng. Một số bệnh rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Cảnh giác với tụ cầu vàng kháng thuốcCảnh giác với tụ cầu vàng kháng thuốc

Vi khuẩn tụ cầu có 3 loại (tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh), trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng (S.aureus) là loại gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn ở cộng đồng cũng như trong bệnh viện (nhiễm khuẩn bệnh viện), đặc biệt gây nhiều bệnh cấp tính, nặng.

Tổng quan về vi khuẩn tụ cầu vàng

Vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) có 3 loại, đó là tụ cầu vàng (Staphylococcus Aureus), tụ cầu da (Staphylococcus Epidermidis) và tụ cầu hoại sinh (Staphylococcus Saprophyticus). Trong 3 loại trên thì tụ cầu vàng là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nhất, nó có độc tố gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh.

Tụ cầu vàng gây bệnh rất đa dạng, chúng xâm nhập xuyên qua da và có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau, thường là nhiễm trùng da, làm loét, phỏng da, cũng có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng xương, các mô, thậm chí viêm màng não.

Vi khuẩn tụ cầu vàng được tìm thấy gần như ở khắp nơi trong tự nhiên, trên da và niêm mạc của động vật máu nóng. Cứ 3 người trong số 10 người khỏe mạnh có thể có vi khuẩn tụ cầu vàng trên người, hầu hết mọi người đều không biết họ đang mang vi khuẩn tụ cầu vàng.

Trong cộng đồng cũng như trong bệnh viện, tụ cầu đặc biệt là loại tụ cầu vàng có thể gây rất nhiều bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có một số bệnh rất nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Theo một báo cáo tại hội thảo về chống nhiễm khuẩn, ở các bệnh viện lớn hằng năm có 13,9% số trường hợp mắc bệnh nhiễm khuẩn là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhập viện điều trị.

Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất là trứng, thịt gia súc, gia cầm (gà), cá ngừ, salad, khoai tây, các loại bánh nướng có kem và các sản phẩm từ sữa... Thời gian ủ bệnh khi ăn phải thức ăn có tụ cầu vàng rất ngắn, khoảng từ 1- 6 giờ, trung bình là 3 giờ. Tụ cầu vàng không gây ra dịch, nhưng vẫn thường xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm cho nhiều người. Độc tố tụ cầu vàng khá bền với nhiệt: Nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút chưa bị phá hủy. Vì vậy, thức ăn nấu chín, dù tụ cầu vàng chết hết, nhưng độc tố vẫn tồn tại. Muốn khử hoàn toàn độc tố tụ cầu vàng, phải đun sôi liên tục ít nhất 2 giờ.

Mùa nóng cần đề phòng nhiễm khuẩn tụ cầu vàng - Ảnh 2.

Vi khuẩn tụ cầu vàng có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên.

Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng do đâu?

Đa phần các trường hợp bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng đều tìm thấy vi khuẩn này trên da. Chúng thường xâm nhập thông qua vết thương hoặc vết cắt. Một số trường hợp đặc biệt, tụ cầu vàng xâm nhập vào bên trong cơ thể gây nhiễm trùng một số cơ quan, dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm. Ngoài ra, vi khuẩn tụ cầu vàng cũng có thể sinh sống trên bề mặt vật dụng cá nhân và lây truyền từ người này qua người khác khi chạm vào các bề mặt này.

Mặt khác, các yếu tố sau cũng được xem làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tụ cầu vàng:

- Da bị tổn thương dưới dạng: Vết thương hở, côn trùng cắn, eczema, vết bỏng...

Bệnh hô hấp.

- Bệnh nhân phải thực hiện các thủ thuật, can thiệp y khoa có xâm lấn.

- Môi trường sống mất vệ sinh, đông đúc, chật hẹp.

- Trầy xước da do chơi thể thao nhưng vệ sinh không đúng cách.

- Dùng một số loại thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh.

- Rối loạn, suy yếu hệ thống miễn dịch.

- Người mắc đái tháo đường.

- Bệnh nhân HIV/AIDS.

- Bệnh nhân lọc máu.

Bệnh ung thư; đang xạ trị hoặc hóa trị.

Mùa nóng cần đề phòng nhiễm khuẩn tụ cầu vàng - Ảnh 4.

Tụ cầu vàng gây bệnh rất đa dạng, chúng xâm nhập xuyên qua da và có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau.

Những bệnh lý do vi khuẩn tụ cầu vàng gây nên

Ngộ độc thức ăn

 Vi khuẩn này thường xâm nhập vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản không đảm bảo vệ sinh. Ở nhiệt độ sôi trong 15 phút vi khuẩn tụ cầu vàng bị tiêu diệt, nhưng độc tố của vi khuẩn không bị phân hủy, nên người ăn phải thực phẩm nhiễm tụ cầu vàng (dù đã được nấu chín) vẫn bị ngộ độc.

Nhiễm khuẩn da

Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sống ký sinh trên da và niêm mạc, sau đó xâm nhập vào cơ thể thông qua lỗ chân lông, các tuyến dưới da và nang lông. Tiếp sau đó, chúng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn kèm mủ, với triệu chứng khởi phát là sự xuất hiện của mụn nhọt, chốc lở và các ổ áp xe trên da.

Bệnh do tụ cầu gây nên ở da thường do môi trường bên ngoài xâm nhập vào. Chúng ít gây bệnh nếu chỉ cư trú trên da. Tuy nhiên, khi có vết thương hở, mụn kèm theo vệ sinh kém, đề kháng yếu thì chúng sẽ có cơ hội gây nên các bệnh nguy hiểm.

Nhiễm khuẩn huyết

Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn tụ cầu vàng có thể gây nhiễm khuẩn máu - một tình trạng nhiễm trùng nặng. Vi khuẩn này có thể đi tới các cơ quan nội tạng và gây ra các ổ áp xe tại đây, đe dọa đến tính mạng con người. Ngoài ra, bệnh còn có nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: Nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương...

Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng thường xuất phát từ một ổ nhiễm trùng nào đó trên cơ thể (áp-xe, mụn nhọt, chốc đầu hoặc vết mổ nhiễm khuẩn, vết thương, bỏng, nhiễm khuẩn sau nạo phá thai, sót rau sau sinh - quen gọi là sốt hậu sản...). Khoảng 25 - 30% người mang tụ cầu vàng ở da, mũi và hầu họng. Khi da hay đường hô hấp bị tổn thương hoặc cơ thể suy yếu, tụ cầu vàng sẽ xâm nhập mô hay vào máu gây bệnh hoặc gây bệnh đường thở.

Triệu chứng phổ biến là sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh, khó thở, ho và có thể suy hô hấp, gây khó thở dữ dội hoặc bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Nếu không điều trị kịp thời có thể hình thành ổ áp-xe ở phổi. Viêm phổi và áp-xe phổi do tụ cầu có thể gây nên biến chứng như tràn dịch màng phổi và mủ màng phổi. Viêm phổi do tụ cầu vàng cũng có thể xuất phát từ nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu.

Mùa nóng cần đề phòng nhiễm khuẩn tụ cầu vàng - Ảnh 5.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày để phòng bệnh nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng.

- Nhiễm khuẩn bệnh viện

Môi trường bệnh viện luôn có vi khuẩn tụ cầu vàng, chúng có thể gây nhiễm trùng, điển hình như: Nhiễm trùng vết bỏng, vết mổ, nhiễm trùng đường hô hấp. Không những thế, chúng còn có khả năng xâm nhập vào cơ thể thông qua các thủ thuật hoặc can thiệp y khoa. Vết thương hở cũng là con đường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Đa số trường hợp nhiễm khuẩn tụ cầu vàng tại bệnh viện thường xảy ra với bệnh nhân nằm viện dài ngày.

- Hội chứng sốc nhiễm khuẩn

Mặc dù rất hiếm gặp nhưng hội chứng này có tính đột ngột, dễ gây nguy hiểm cho người bệnh khi vi khuẩn tụ cầu vàng phát triển quá mức và giải phóng độc tố. Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như: Hôn mê, thở nhanh nông, có thể có những cơn ngừng thở, mạch nhanh nhỏ và khó bắt, huyết áp tụt, chân tay lạnh, tiểu ít hoặc vô niệu...

Lời khuyên của thầy thuốc

Không chỉ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, tụ cầu vàng còn có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh, kể cả những loại kháng sinh rất mạnh thuộc thế hệ mới.

Chính vì vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng, trong đó nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày để phòng bệnh nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn đường hô hấp,...

Vệ sinh an toàn thực phẩm là một khâu hết sức quan trọng, vừa phòng ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng gây ra, vừa phòng ngộ độc thực phẩm do các vi sinh vật khác.

Để hạn chế sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn nói chung và tụ cầu vàng nói riêng, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-



BS Đình Văn
Ý kiến của bạn