Viêm da tiếp xúc xảy ra do côn trùng đốt hoặc tiếp xúc với các phần của côn trùng như bụi phấn hoặc các chất tiết của côn trùng đang sống hoặc bị chết. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, lo lắng và rất dễ lan thành dịch ở những người chung sống trong cùng môi trường.
Dấu hiệu của bệnh
Viêm da tiếp xúc do một số loại côn trùng thuộc bộ cánh cứng gây ra. Các loài côn trùng này sống trên cây. Vào ban đêm, nếu phòng ngủ không đóng cửa, các con côn trùng này theo ánh đèn bay vào trong nhà và đậu các vùng hở trên cơ thể, nhất là vùng đầu, mặt và cổ. Do phản xạ tự nhiên, bệnh nhân sẽ gãi làm côn trùng chết và các chất hóa học trong cơ thể chúng gây nên hiện tượng kích ứng trên da, nếu tay dính hóa chất gãi vào các vùng da khác thì vùng da đó cũng bị viêm. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác.
Bệnh nhân mô tả là bệnh thường phát ra vào buổi sáng, khi ngủ dậy thấy một vùng da trên cơ thể mẩn đỏ, phù nề, trên bề mặt thương tổn màu trắng xám, lõm ở giữa, có thể có những mụn nước vỡ ra tiết nhiều dịch, đặc biệt là rất ngứa. Khi bị bội nhiễm thì có mủ trắng. Chính phản xạ gãi làm phát tán dịch tiết ra các vùng da xung quanh, khiến tổn thương da lan rộng. Cảm giác ngứa, rát tăng dần nhưng không đau nhức. Bệnh chỉ biểu hiện ngoài da chứ ít khi ảnh hưởng đến toàn trạng của bệnh nhân.
Biểu hiện bệnh viêm da tiếp xúc côn trùng.
Dễ nhầm lẫn với các bệnh về da khác
Rất nhiều bệnh nhân thường nghĩ là mình bị bệnh zona nên mua các thuốc kháng virut như acyclovir để bôi và uống. Thực tế đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau và cũng dễ phân biệt. Bệnh zona là bệnh do virut gây nên, bệnh rất khó lây từ người này sang người khác. Biểu hiện bệnh là các mụn nước mọc thành chùm chạy theo 1 dây thần kinh ở một bên cơ thể, rất hiếm khi bị 2 nơi hoặc đối xứng 2 bên. Còn viêm da do côn trùng thì tổn thương da có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều vị trí trên cơ thể và không có triệu chứng báo trước. Bệnh nhân bị bệnh zona thường có cảm giác đau rát chứ không ngứa như bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc.
Xử trí khi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng
Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng là một bệnh lành tính, không gây nguy hiểm nhưng cần điều trị đúng để tránh nhiễm trùng và lây lan sang người khác. Phải loại bỏ căn nguyên càng sớm càng tốt bằng cách tắm rửa, thay quần áo. Nếu tổn thương da do tiếp xúc nhẹ, hẹp có thể rửa sạch da với nước muối hòa loãng, đồng thời việc rửa sạch vùng da tiếp xúc dưới vòi nước chảy cũng làm chất độc trôi giảm kích ứng. Sau đó, bệnh nhân có thể bôi tại chỗ các loại dung dịch như hồ nước, millian, xanh methylen,... Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nặng hơn.
Kiến ba khoang là loài đặc biệt nguy hiểm vào thời điểm giao mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao.
Chủ động phòng ngừa: hạn chế tiếp xúc với côn trùng
Chủ động phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với côn trùng và không tạo điều kiện để chúng có nơi ẩn nấp trong khu vực sống của gia đình. Cách phòng bệnh tốt nhất là buổi đêm nên đóng kín các cửa phòng ngủ, ngủ phải mắc màn để tránh tiếp xúc với các loài côn trùng gây bệnh. Không giết côn trùng bằng tay, không để da tiếp xúc với chất dịch do côn trùng tiết ra. Khi đã phát bệnh thì không nên chạm tay vào vùng thương tổn rồi chạm vào vùng da khác. Bệnh nhân có các triệu chứng ngoài da giống như bị viêm da tiếp xúc do côn trùng cần được các bác sĩ chuyên khoa da liễu khám bệnh, chẩn đoán phân biệt với zona và các bệnh ngoài da khác để được điều trị thích hợp. Vệ sinh môi trường sống luôn thoáng, sạch sẽ để ngăn ngừa côn trùng có điều kiện sinh sôi và phát triển.