Hà Nội

Mùa mưa, sốt xuất huyết "rình rập" tấn công trẻ

22-09-2021 06:14 | Y tế
google news

SKĐS - Các bác sĩ cảnh báo, do dịch COVID-19 nên nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết không được thăm khám và điều trị kịp thời dẫn đến nguy kịch. Điển hình là một bé trai 2 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng, nhập viện khi đã khó thở, kích thích, bụng phình to.

Sốc do sốt xuất huyết nặng, bệnh nhi 6 tuổi được các bác sĩ cứu sốngSốc do sốt xuất huyết nặng, bệnh nhi 6 tuổi được các bác sĩ cứu sống

SKĐS- Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cũng là lúc thời tiết có nhiều điều kiện thuận lợi cho các bệnh như sốt xuất huyết dễ dàng bùng phát. Chống COVID-19 nhưng cũng không nên lơ là phòng các bệnh lây nhiễm khác.

Nhiều trẻ em mắc sốt xuất huyết khi mùa mưa tới

Một mình chăm con trai tại Trung tâm Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) suốt gần 10 ngày, chị Trang (ở Đan Phượng) cho hay khi chị thấy con sốt cao, có khi lên đến 41 độ C, nôn vài lần trong ngày liền cho bé uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, bé chỉ hạ sốt được chốc lát rồi lại sốt cao.

Chị cho con đến bệnh viện huyện, chẩn đoán là sốt xuất huyết rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương sau 2 ngày điều trị không đỡ. Ngoài đứa con trai lớn đang điều trị tại viện, trong gia đình chị Trang còn một đứa con nhỏ 4 tuổi cũng mắc bệnh nhưng nhẹ hơn. Ngoài ra, bố chị Trang ở quê cùng lúc bị sốt xuất huyết.

Thống kê tại Trung tâm Các bệnh nhiệt đới trẻ em, trong hơn 60 trẻ mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị chủ yếu mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9. Có trường hợp cháu bé mới 5-6 ngày tuổi đã mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do mẹ mắc sốt xuất huyết sau đó bị muỗi đốt, con muỗi đó lại đốt sang người trẻ khiến trẻ bị mắc bệnh.

Sốt xuất huyết không chừa trẻ nhũ nhi, bác sĩ cảnh giác phụ huynh khi mùa mưa đến - Ảnh 1.

Điều trị trẻ mắc sốt xuất huyết ở Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận 43.952 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc sốt xuất huyết giảm 9,35% nhưng số ca tử vong lại tăng 10 trường hợp.

Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, TP ghi nhận hơn 540 ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã.

Còn tại TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng thành phố vừa tiếp nhận và cấp cứu bé trai 2 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng, nhập viện khi đã khó thở, kích thích, bụng phình to. Bệnh nhi được chuyển đến từ Tây Ninh 4 ngày trước.

Các bác sĩ xác định nguyên nhân do nước trong lòng mạch tại ổ bụng bị thất thoát khiến bụng phình to, gây áp lực lên phổi. Hai lá phổi vốn đã bị tràn dịch, nay lại càng thiếu hẹp không gian để trao đổi khí.

Sau 4 ngày điều trị tích cực, trẻ chưa thực sự hồi tỉnh nhưng đã có những dấu hiệu phục hồi, chức năng gan, thận, sinh hiệu dần cải thiện. Tuy nhiên, trẻ vẫn còn cần theo dõi sát, truyền thêm máu.

Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng TP tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp trẻ em bị sốc sốt xuất huyết, trong đó có bé gái một tháng tuổi và một số ca cơ địa thừa cân, béo phì. Hồi cuối tháng 7, bệnh viện này cũng cấp cứu 5 trường hợp trẻ thừa cân, béo phì bị sốc sốt xuất huyết.

Cảnh giác với sốt cao

Trở về nhà sau 2 tuần chăm con trai ở bệnh viện, anh H.V.Đ (ở Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) thấy đau đầu, sốt cao từ 39-39,5 độ C.

Nghi mắc COVID-19, anh Đ lập tức liên hệ với Trạm y tế phường Yên Hòa để khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm. 16 tiếng sau, anh nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, nhưng lại mắc sốt xuất huyết, nhập viện 108 điều trị trong 9 ngày.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, sốt xuất huyết và COVID-19 đều có một số biểu hiện ban đầu giống nhau, dễ gây nhầm lẫn (sốt cao, đau đầu, mệt mỏi...). Tuy nhiên, COVID-19 lây qua đường hô hấp, tiếp xúc giọt bắn/bề mặt có chứa giọt bắn virus, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền bệnh.

"Lo lắng trước sự lây nhiễm của COVID-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết đã không dám đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Đây là một trong những sai lầm thường gặp. Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong", PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Bác sĩ khuyến cáo, hiện vào mùa mưa nên sốt xuất huyết "rình rập" tấn công trẻ. Phụ huynh nên cho trẻ ngủ màn, diệt muỗi, loăng quăng, phát quang xung quanh nhà, nhất là dọn dẹp các chai lọ, dụng cụ chứa nước...

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, lưu ý phụ huynh khi thấy con em mình sốt trên 2 ngày, đặc biệt nằm một chỗ không chơi, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu cam, chảy máu chân răng..., cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị, cấp cứu kịp thời.

Trẻ dưới 1 tuổi khi bị sốt, có thể kèm theo ho hoặc sổ mũi, tiêu chảy, ói nên dễ bỏ sót không theo dõi bệnh sốt xuất huyết. Trẻ không biết nói hoặc không biết diễn tả triệu chứng nên phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng để phát hiện dấu hiệu bất thường như: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, lơ mơ; nôn ra máu, tiêu phân đen, đỏ; bỏ bú, bỏ ăn uống... Lúc này cha mẹ cần đưa trẻ đi viện ngay.

Các bác sĩ cho biết 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trở nặng khó cứu chữa, đó là chủ quan không đi khám bệnh; hết sốt là khỏi bệnh và chỉ mắc bệnh một lần trong đời. Trên thực tế, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh cần được bác sĩ theo dõi sát sao.

Ngoài ra, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng týp riêng lẻ. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type virus khác nhau.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hướng dẫn sử dụng một số thiết bị y tế tại nhà.


T.Nguyên
Ý kiến của bạn