Thời tiết mưa phùn, nồm ẩm, chúng ta dễ nhiễm virus, vi khuẩn. Khi thâm nhập vào cơ thể, virus, vi khuẩn có thể gây ra cảm lạnh, cảm cúm, các bệnh đường hô hấp.
Kể cả trong tiết trời độ ẩm cao thế này, nếu không bảo quản cẩn thận, thực phẩm dễ bị mốc và nhiễm khuẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột.
Lưu ý dinh dưỡng trong thời tiết mưa phùn, nồm ẩm
Theo TS.Kajal Pandya Yeptho, chuyên gia dinh dưỡng của Apollo, Delhi, khi thời tiết thay đổi, chúng ta nên ăn rau củ và trái cây theo mùa và nên chọn thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường miễn dịch.
Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý một số điểm về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe trong thời tiết chuyển mùa mưa phùn, nồm ẩm như sau:
1. Nên ăn đồ ăn tươi, nấu khẩu phần vừa đủ
Đồ ăn tươi ngon lúc nào cũng tốt cho sức khỏe. Để đảm bảo bữa ăn lành mạnh, bạn chỉ nên nấu vừa đủ mỗi bữa cho gia đình. Bởi thức ăn thừa sẽ khó bảo quản. Với thời tiết nồm ẩm, đồ ăn sẽ không ngon khi để thừa đến bữa sau, hơn nữa còn có nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì vậy, chỉ nên nấu đủ ăn một bữa để đảm bảo bữa ăn ngon và tốt cho sức khỏe.
2. Nên ăn thực phẩm nấu chín, hạn chế đồ gỏi, tái sống
Thời tiết nồm ẩm khiến virus, vi khuẩn, nấm mốc dễ sinh sôi. Vì vậy, vào thời tiết nhạy cảm và khó chịu này, bạn nên hạn chế ăn đồ gỏi, đồ tái sống để đảm bảo an toàn cho đường ruột.
3. Tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay, không uống rượu
Vào những ngày nồm ẩm, bạn nên hạn chế món ăn chiên ngập dầu hoặc đồ ăn cay. Bởi lúc này, bạn cần ăn những thực phẩm lành mạnh hơn để nâng cao hệ miễn dịch.
Bản thân độ ẩm cao cũng làm cho những món chiên trở nên không ngon như ngày thường vì dễ dàng bị ỉu.
Rượu có thể gây hạ thân nhiệt, làm giảm sức đề kháng của bạn, khiến bạn dễ bị cảm lạnh, thậm chí đột quỵ trong tiết trời mưa lạnh.
4. Rửa kỹ trái cây và rau củ trước khi ăn
Khi mua trái cây hoặc rau củ, cần chọn loại còn nguyên vẹn, không bị dập nát. Trước khi ăn, cần rửa sạch dưới vòi nước.
Khi ăn rau sống, cần ngâm rau trong nước muối loãng để loại bỏ vi khuẩn.
5. Hạn chế ăn mặn
Trong chế độ ăn, nên lưu ý tới lượng muối nạp vào cơ thể để phòng các bệnh về tim mạch, huyết áp cao, ngăn ngừa đau tim và đột quỵ.
Hạn chế ăn mặn nghĩa là tránh đồ ăn chứa nhiều muối như dưa cà muối, lạc rang muối, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, phô mai mặn,... Sẽ tốt hơn nếu bạn ăn nhiều rau xanh, củ quả, khoai tây luộc hoặc nướng, khoai lang, các loại hạt, sữa chua và một số thực phẩm tươi khác.
6. Uống đủ nước và ngủ đủ giấc
Uống nước và ngủ đủ giấc giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
Ngoài ra, khi tiết trời nồm ẩm ướt, vi khuẩn virus dễ sinh sôi nảy nở, bạn cũng cần phải kiểm tra xem đồ ăn có tươi ngon và đảm bảo không? Vào lúc thời tiết khó chịu thế này, hãy cẩn thận khi ăn hải sản, cá hoặc các sản phẩm từ sữa. Cần đảm bảo những sản phẩm này không bị ôi hay nhiễm khuẩn.
Đồ ăn sau khi nấu cũng nên ăn ngay, không nên để lâu. Trái cây khi ăn hẵng gọt vỏ và bổ, chỉ nên gọt bổ vừa ăn, vì hoa quả đã xắt miếng để quá lâu không tốt.
Trong tiết trời nồm ẩm, bạn cũng không nên ăn đồ ăn quá chua như dưa chua, me,...
Những thực phẩm nên ăn khi trời nồm, ẩm ướt
1. Ăn nhiều trái cây và rau củ
Duy trì năng lượng của bạn trong suốt cả ngày bằng cách ăn trái cây, chẳng hạn như táo, lê hoặc lựu,.... Bạn cũng có thể ăn dưa chuột thái lát, dưa hấu vì hàm lượng nước cao trong các loại quả này có thể giúp cơ thể không bị mất nước.
Ăn nhiều trái cây và tự làm nước ép như nước cam,... giúp bổ sung vitamin C, tăng cường sức đề kháng chống lại cảm cúm, cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp.
Ngoài ra, mướp đắng cũng là loại rau giúp tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn chống nhiễm trùng mà bạn nên ăn.
Lưu ý là cần rửa tay sạch trước khi gọt hoa quả hay sơ chế thực phẩm.
2. Tỏi và nghệ
Tỏi và nghệ tăng cường sức đề kháng của bạn. Tỏi như một loại "kháng sinh" tự nhiên, giúp nâng cao hệ miễn dịch. Hãy thêm tỏi vào các món ăn để bổ sung nguồn "kháng sinh" tuyệt vời từ thiên nhiên này. Bạn có thể thêm tỏi và nghệ vào món ăn hàng ngày làm gia vị, hoặc có thể uống sữa nghệ để phòng cảm lạnh, cảm cúm.
3. Ngũ cốc nguyên hạt
Những thực phẩm như cơm, ngô, đậu xanh,...có tác dụng chống viêm nhiễm, tránh đầy hơi, cung cấp đủ năng lượng cho bạn trong những ngày mưa giá rét.
4. Chuối
Chuối giàu vitamin B và magie, những dưỡng chất quan trọng để tuyến giáp và tuyến thượng thận của bạn hoạt động tốt. Những tuyến này giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, bảo vệ bạn khỏi nhiễm lạnh. Chuối cũng có thể cải thiện tâm trạng và tăng cường trí nhớ của bạn, trong số những lợi ích sức khỏe khác.
5. Thực phẩm giàu sắt
Thịt đỏ như thịt bò và thịt lợn là nguồn cung dồi dào sắt. Sắt là một khoáng chất quan trọng giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể bạn. Những người có lượng sắt thấp có thể nhận biết qua bàn tay và bàn chân lạnh hoặc hay cảm thấy mệt mỏi. Ăn thịt đỏ cũng có thể cung cấp vitamin B12, góp phần giúp các dây thần kinh và hệ miễn dịch khỏe mạnh.
6. Khoai lang
Khoai lang và các loại rau củ khác cung cấp nhiều năng lượng, làm tăng nhiệt độ cơ thể của bạn, giúp giữ ấm cơ thể trong những ngày mưa lạnh.
Ngoài ra, chúng chứa nhiều vitamin A, vitamin C và kali, bổ sung chất xơ và các chất dinh dưỡng khác để tăng cường miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy khoai lang cũng tốt cho sức khỏe mắt.
7. Bí ngô
Bí ngô chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Hàm lượng vitamin C và kali cao giúp tăng cường hệ miễn dịch và chất xơ giúp hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Những lý do khiến bạn đau họng và cách điều trị