Mùa mưa, phòng bệnh đau mắt đỏ

15-08-2015 07:17 | Y học 360

SKĐS - Trong điều kiện lũ lụt, không có nước sạch thì đau mắt đỏ (viêm kết mạc) cũng là bệnh thường gặp, rất dễ lây lan và phát thành dịch.

Trong điều kiện lũ lụt, không có nước sạch thì đau mắt đỏ (viêm kết mạc) cũng là bệnh thường gặp, rất dễ lây lan và phát thành dịch. Viêm kết mạc thường do nhiều tác nhân như nhiễm khuẩn, chủ yếu là do virut Adeno gây nên. Bệnh lây qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp (do dùng chung vật dụng cá nhân). Bệnh không nguy hiểm nhưng có khả năng lây lan nhanh. Đáng chú ý là nếu không điều trị sớm, đúng cách có thể dẫn tới viêm giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực. Đối với đau mắt đỏ thì phòng bệnh là rất quan trọng và dùng nước sạch để tắm rửa, nhất là rửa mặt là hàng đầu. Để chữa đau mắt đỏ đơn giản nhất là dùng dung dịch cloroxit 0,4% (hoặc chloramphenicol 0,4%) là loại thuốc sẵn có trên thị trường. Nên nhỏ mắt mỗi khi tiếp xúc với nước bẩn hoặc dùng 4 - 6 lần một ngày.

Bác sĩ Xuân Thủy

 

Khuyến cáo phòng dịch bệnh sau mưa lũ

Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Ngoài ra, người dân cần chú ý thực hiện nằm ngủ phải mắc màn, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách để phòng một số dịch bệnh khác như sốt rét, sốt xuất huyết...

Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Tốt nhất là đậy nắp giếng trước khi có mưa lũ. Dù không ngăn cản được nước bẩn vào giếng thì cũng ngăn được rác và súc vật chết rơi vào giếng. Sau lũ lụt, phải thau rửa giếng nước, tát cạn nước, vét bùn cặn, sau đó dùng phèn chua làm trong nước giếng với liều lượng là 50g/m3 nước. Tiếp theo phải khử trùng nước bằng cloramin B với liều lượng 10g Cloramin B (loại 25%)/m3 nước. Đối với giếng khoan thì bơm hết nước đục và bơm thêm 15 phút nữa thì có thể dùng được.

Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn… Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời.

Mời các bạn xem bài sau: Đề phòng nước ăn chân

vào ngày 16/8/2015

 

 

 


Ý kiến của bạn