Hà Nội

Mùa mưa đến: Trữ thuốc gì?

02-08-2015 09:19 | Dược
google news

SKĐS - Với từng gia đình nên chuẩn bị những loại thuốc gì cần thiết nhất trong khi lũ lụt, mưa to chưa thể đi khám bệnh được?

Chị Vân (Lạng Sơn), anh Hồng (Lào Cai), ông Tiến (Yên Bái) có thư hỏi, hàng năm các vùng miền núi hay có mưa, lũ quét nên nhiều loại bệnh xuất hiện. Vì vậy, với từng gia đình nên chuẩn bị những loại thuốc gì cần thiết nhất trong khi lũ lụt, mưa to chưa thể đi khám bệnh được?

Về bệnh thường gặp

Như chúng ta đã biết, trong và sau mưa lũ có một số bệnh thường gặp như tiêu chảy, viêm họng cấp (sốt cao, đau họng), bệnh đau mắt đỏ, bệnh sốt vàng da (sốt cao có vàng da kèm theo vàng mắt, có thể là bệnh viêm gan A hoặc viêm gan E) hoặc bệnh kiết lỵ. Một số người mắc bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa khớp xương, dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn tính...), nếu thiếu thuốc cũng trở nên rắc rối chẳng kém gì bệnh mới mắc. Theo chị Vân, ông Tiến thì tại địa phương, mỗi lần mưa lũ xảy ra có nhiều người mắc bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ. Trong khi đó anh Hồng than phiền, gia đình anh và hàng xóm trong các đợt mưa lũ vừa qua nhiều người mắc bệnh kiết lỵ, ngứa làm cho mọi người rất hoang mang lo lắng, đặc biệt khi trẻ mắc bệnh không có thuốc. Trên cơ sở này, chúng tôi khuyên ông Tiến, các anh chị trao đổi với các gia đình trong thôn xóm, bản làng nên chuẩn bị một số thuốc cơ bản. Các thuốc này cần bảo quản thật tốt (ví dụ, cho vào túi ni lông, buộc kín) để tránh ẩm mốc hoặc mưa lũ cuốn trôi. Nên ưu tiên mua các loại dùng cho các bệnh thường gặp.

Một số thuốc cần thiết

Biết rằng tại trạm y tế có đủ thuốc thông dụng, nhưng mưa lũ cách trở, trong khi đó bệnh tật lại xuất hiện. Ông Tiến, đặc biệt chị Vân muốn biết nên mua thuốc gì cần thiết nhất. Vì bệnh tiêu chảy thường xảy ra nhiều hơn cả, nên trong gia đình cần có một số thuốc như smecta hoặc ercefuryl. Nên uống xa bữa ăn. Tác dụng phụ là có thể làm tăng táo bón nhưng rất hiếm, vẫn có thể điều trị tiếp tục với liều lượng giảm.

Nếu là ercefuryl, có loại viên nang và loại sirô, điều trị tối đa trong 7 ngày.

Nếu hai loại thuốc này không có ở quầy thuốc thì có thể mua loại loperamid 2mg. Thuốc này có tác dụng điều trị tiêu chảy cấp, mạn tính. Loperamid không dùng cho trẻ dưới 8 tuổi. Tác dụng phụ của loperamid là gây táo bón, nên sau khi uống nếu hết đi lỏng, phân đã đặc hoặc thành khuôn thì ngưng uống.

Trong gia đình cũng cần có ít nhất 10 gói oresol (ORS), tốt nhất là loại 5,63g/gói, mỗi lần dùng pha một gói vào 200ml nước (đun sôi, để nguội). Liều lượng dùng, trẻ dưới 24 tháng tuổi, uống 50 - 100ml sau mỗi lần đi lỏng, ngày uống khoảng 500ml. Trẻ từ 2 - 10 tuổi, ngày uống 100 - 200ml sau mỗi lần đi lỏng và uống khoảng 1.000ml/ngày. Trẻ trên 10 tuổi uống theo nhu cầu (khát là uống).

Cán bộ y tế phòng ngừa dịch bệnh cho người dân vùng mưa lũ.

Anh Hồng hỏi, thuốc gì để hạ sốt? Có nhiều bệnh gây sốt, vì vậy, thuốc hạ sốt cũng cần chuẩn bị, tốt nhất là mua loại paracetamol. Liều dùng như sau: trẻ dưới 3 tháng tuổi 40mg/lần sau 6 giờ; trẻ 3 - 11 tháng tuổi uống 80mg/lần sau 6 giờ; trẻ 12 - 24 tháng 100mg/lần sau 6 giờ; trên 2 tuổi 10mg/kg nặng, sau 6 giờ.

Thuốc để dùng cho người bị ho, có thể mua loại ambroxol xirô hoặc viên. Thường uống sau ăn và nên uống nhiều nước.

Ông Tiến cho biết, ông có một cháu trai bị hen phế quản. Mỗi khi mưa lũ tràn về, thường khò khè, khó thở, đôi lúc môi tím tái, gia đình rất lo lắng, hoang mang. Ông muốn biết nên chuẩn bị thuốc gì? Như vậy cháu của ông đã biết bệnh hen phế quản, chắc thường ngày đã có thuốc dùng để cắt cơn, có thể ông quên. Tiện đây, khuyên ông nên mua loại bricanyl xirô. Thuốc này dùng cho trẻ ho do hen phế quản, viêm phế quản, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính. Đối với người lớn, ngoài bệnh hen suyễn, viêm phế quản, có thể dùng cho người bị khí phế thũng, giãn phế quản. Ngoài ra ông nên mua một loại thuốc xịt hen ventolin (màu xanh nhạt), ông cần sử dụng theo đúng hướng dẫn bởi vì sử dụng sai, thuốc sẽ không có tác dụng (không vào được khí, phế quản).

Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị một số thuốc nhỏ mắt như nước muối sinh lý, cloramphenicol 1%o, hoặc tobrex 0,4%, hoặc tobrin 0,4%.

Trong gia đình có người bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành), bệnh dạ dày hoặc đái tháo đường, cần chuẩn bị các thuốc đã uống thường ngày, theo đơn của bác sĩ, nên mua thêm vài ba liều dự phòng.

Mong các vị biết và thông tin cho mọi người khác để khi mưa lũ, lụt xảy ra nếu bệnh xuất hiện có thuốc để dùng.

BS. Bùi Mai Hương


Ý kiến của bạn