Hà Nội

Mùa mưa: Coi chừng viêm da do kiến ba khoang

05-09-2019 18:49 | Đời sống
google news

SKĐS - Hằng năm cứ đến mùa mưa, khoảng từ tháng 8 đến tháng 11, BV.Da liễu TP.HCM thường tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân viêm da tiếp xúc đến khám.

Tình trạng này có thể gây thành dịch làm cho nhiều người trong gia đình hoặc trong khu phố cùng mắc một lúc, hoặc trên cùng một người có thể mắc nhiều lần trong mùa.Thủ phạm thường thấy nhất chính là kiếng ba khoang.

Bị kiến ba khoang cứ nghĩ giời leo

Đưa 2 con nhỏ cùng đến BV. Da Liễu TP.HCM khám da, chị Linh nhà ở huyện Bình Chánh vén áo con lên cho bác sĩ nhìn vô số những vết tổn thương da sưng đỏ, ửng mủ, kéo dài thành vệt gây đau rát. Người mẹ cho biết mấy tuần gần đây, cả nhà chị có tổng cộng 9 người thì từ người lớn đến trẻ em ai cũng bị ngứa ngáy rồi gãy thì da trầy xước sưng đỏ và tụ mủ.

“Tôi nghĩ cả nhà bị giời leo nên mới lây lan nhiều như thế. Nghe theo lời bày, tôi dùng đậu xanh đắp lên vết thương nhưng không khỏi và còn sưng và đau nhức hơn. Cả nhà cố tìm nguyên nhân thì phát hiện trong chăn và quần áo có loại kiến nhỏ, đuôi nhọn và vểnh lên”, phụ huynh nói. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định nguyên nhân khiến hai bé con chị Linh bị viêm da là do một loại côn trùng có tên khoa học là Paederus, hay tên thường gọi là kiến ba khoang.

Tương tự, lượng phụ huynh đưa con đến khám vì côn trùng cắn tại các BV.Nhi Đồng Thành phố, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 từ cuối tháng 7 đến nay tăng cao. Hầu hết bệnh nhi đều bị những vết tổn thương kéo dài theo vị trí các bé gãi, một số bé lên cơn sốt, biếng ăn và nằm mê man. Trong số những phụ huynh mang con đến khám, nhiều người cũng nghĩ rằng con mình bị mắc bệnh Zona (giời leo), tuy nhiên nguyên nhân sau đó được các bác sĩ xác định do dính phải dịch từ kiến ba khoang.

Không chỉ trẻ con bị côn trùng tấn công vào những ngày TP.HCM có nhiều mưa, trong những ngày đầu tháng 8, một số bệnh nhân nằm điều trị tại một bệnh viện ở quận Thủ Đức cũng than phiền bị côn trùng vào tận giường bệnh cắn. Sự việc chỉ được khắc phục khi các cán bộ y tế dự phòng của quận đến bệnh viện này phun xịt.Cũng ở quận Thủ Đức, nhiều sinh viên trọ tại ký túc xá ĐH.Quốc gia TP.HCM cũng cho biết luôn trong tình trạng mất ăn, mất ngủ lo sợ bị kiến ba khoang đốt khi ngày nào cũng phát hiện kiến bò trong phòng. Trước thực các khu dân cư, ký túc xá trường học,... nhiều đơn vị đã dán thông báo tại các bảng tin nhằm khuyến cáo người dân.

Mùa mưa: Coi chừng  viêm da do kiến ba khoang

“Hung thủ” gây viêm da

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kiến ba khoang là côn trùng thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Kiến ba khoang không chủ động đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Kiến ba khoang không chủ động đốt người

Theo ThS.BS. Trần Nguyên Ánh Tú, khoa Khám bệnh, BV. Da Liễu TP.HCM, viêm da tiếp xúc côn trùng biểu hiện với các thương tổn thành đường hay vệt đỏ, có thể phù nề nhẹ, có mụn nước, mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay chân. Người dân thường nhầm lẫn bệnh này với giời leo (zona).

Bệnh thường do tiếp xúc loài côn trùng tên là Paederus có mình dài, kích thước 1,5 - 20mm, màu đỏ nâu, hơi giống kiến. Dân gian gọi bằng nhiều tên khác nhau như kiến ba khoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít… Chúng tiết ra chất pederin, có độc tính gây bỏng, khi tiếp xúc trên da người gây phản ứng viêm da bóng nước.

Những tình huống làm cho bệnh nhân mắc bệnh:

- Làm việc, ngủ… bị côn trùng rơi vào cổ, mặt hay vùng da hở trên thân mình.

- Vô ý quẹt tay hoặc đập nát côn trùng làm da tiếp xúc với chất pederin có trong côn trùng gây viêm da bóng nước.

- Côn trùng bám vào khăn mặt, mắt kính, quần áo… bệnh nhân không chú ý nên để da bị tiếp xúc với côn trùng.

Lúc đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ da nhẹ.Sau 6 - 12 giờ, vùng da đỏ nhiều, thành vệt hay đường, hơi phù nề, trên đó có thể có mụn nước, mụn mủ. Lúc này, bệnh nhân thường cảm thấy đau, rát, có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch. Nếu thương tổn gần mắt có thể gây sưng cả 2 mắt.

Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin

Khi mắc bệnh, nên tránh làm cho thương tổn lây lan sang vùng da khác, không tự điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử trí thích hợp.

Tùy mức độ nặng nhẹ của thương tổn, có thể điều trị với các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch màu, gel kháng sinh. Nếu mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sinh uống, thuốc giảm đau hoặc cũng có thể dùng corticosteroid bôi hoặc uống.Bệnh thường sẽ ổn sau 5 - 7 ngày.

Phân biệt vết phỏng do kiến ba khoang

Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt rất giống bệnh Zona. Bệnh Zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn, tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.

Mùa mưa: Coi chừng  viêm da do kiến ba khoangViêm da tiếp xúc kiến ba khoang

Cách phòng viêm da do kiến ba khoang

Kiến ba khoang không đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh, kiến ba khoang còn là bạn của nhà nông vì nó là thiên địch ăn một số loài sâu hại cây trồng, vì thế điều quan trọng là phòng tránh nguy cơ bị đốt, không nên hoang mang, lo lắng, hay tìm mọi cách tiêu diệt kiến ba khoang.

Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý

- Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.

- Ngủ trong màn.

- Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.

- Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ.

- Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

- Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.

- Có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người.

Biện pháp xử trí khi tiếp xúc với kiến ba khoang

Nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, cần thực hiện một số bước sau:

- Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót.

- Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.

- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng... chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết.

- Khi phát hiện có kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, nên liên hệ với đơn vị y tế chuyên trách (Các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các Trung tâm Y tế dự phòng địa phương) để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.


PHƯƠNG NGHI
Ý kiến của bạn