Ở tỉnh Nghệ An, có 1 người chết và 1 người mất tích; gần 8.000 ha lúa, hoa màu bị hư hại, 51 cầu, cống bị hư hỏng; công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở tới 95.000 m3 đất và 325 m3 đá và bê tông.
Tỉnh Hà Tĩnh có 3 người chết do bị nước lũ cuốn; 21 ngôi nhà bị ngập và tốc mái, lúa bị ngập 785 ha, hoa màu bị ngập và hư hại tới hơn 3.000 ha; công trình thủy lợi, đê điều bị sạt lở, thiệt hại nặng nề.
Tại Thừa Thiên-Huế, mưa lũ gây ngập úng tại một số xã với mức ngập từ 0,5 đến 0,7m. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 28/10, đã xảy ra lốc tại huyện Phú Vang làm tốc mái 13 nhà dân và một số phòng học thuộc trường Tiểu học Phú Đa 1 và Mẫu giáo Phú Đa 1.
Tỉnh Quảng Nam có 1 người chết do bị nước lũ cuốn trôi khi qua sông Lăng Gạch. Quảng Ngãi, do mưa lớn trong những ngày qua, tại huyện Tây Trà đã xảy ra sạt lở núi, gây nguy hại đến một số hộ dân thuộc các xã Trà Phong, Trà Quân. Tỉnh đã dùng kinh phí dự phòng thực hiện di dời 16 hộ dân đến nơi an toàn, 31 hộ còn lại đang thực hiện di dời tiếp.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục lên. Ngày 29/10, lũ các sông ở Thừa Thiên-Huế dao động ở mức báo động 2, các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị lên mức báo động 2.
Tại khu vực Nam Bộ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống chậm. Đến ngày 1/11, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức trên báo động 1; tại Châu Đốc dưới báo động 2; tại Mộc Hóa ở mức báo động 3. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng.