Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 (bão Noru), trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa lớn gây chia cắt, ngập lụt, trong đó có nhiều cơ sở y tế bị ngập trong nước, và bị hư hại về cơ sở vật chất.
Theo thống kê sơ bộ của ngành y tế, đến chiều tối ngày 29/9, trên địa bàn các huyện như Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu… nhiều trạm y tế, TTYT bị ngập trong nước, nước lũ làm đổ sập hàng trăm mét bờ rào …
Bác sĩ Phạm Ngọc Luân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thanh Chương cho biết, do mưa lớn, nước dâng nhanh nên trên địa bàn có 23 xã bị cô lập, 1068 nhà dân bị ngập nước, 1.107 công trình vệ sinh, 1.203 giếng nước bị ngập, đã có 2 người thiệt mạng do mưa lũ.
Đối với trạm y tế, trên địa bàn có 1 trạm bị ngập lụt, 3 trạm bị cô lập... mưa bão đã làm đổ 55m bờ rào của 02 Trạm Y tế Thanh Long và Ngọc Sơn; Trang thiết và tài liệu không bị hư hỏng do đã được di dời kịp thời.
Hiện nay, Trung tâm y tế huyện Thanh Chương đang phối hợp với chính quyền địa phương xử lý môi trường để phòng chống dịch bệnh, nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó, xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
"Tại những vùng bị ngập lụt, nguy cơ dịch bệnh bùng phát đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân, vì vậy, ưu tiên lớn nhất của ngành y tế Nghệ An hiện nay là phối hợp với các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng khôi phục, sửa chữa lại các cơ sở y tế bị hư hỏng, không để "đứt gãy" công tác tiếp nhận, cấp cứu, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác xử lý môi trường, xử lý nước sinh hoạt; xử lý gia súc, gia cầm chết, công trình vệ sinh phòng, chống các loại dịch bệnh sau bão lũ…" - ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nói.
Sau mưa lũ, các bệnh thường gặp nhất là bệnh liên quan đến đường tiêu hóa vì lúc này, người dân không đủ nước sạch để sử dụng cho nên dễ bùng phát các dịch bệnh liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm như tả, lỵ, thương hàn, và các bệnh về da như nấm kẽ, nấm móng, viêm da, viêm kẽ ngón tay ngón chân, mẩn ngứa trên da...
Điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thời tiết ẩm ướt, bệnh đau mắt đỏ (bệnh viêm kết mạc do vi rút) cũng phát triển mạnh. Nguy hiểm nhất, các bệnh lây truyền qua côn trùng, tiếp xúc cũng dễ bùng phát, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết...
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh do mưa lụt, mọi người cần:
- Chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi;
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
"Mọi người cần chú ý tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng; mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế... Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất"- BS. Bùi Tiến Dũng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An khuyến cáo.