Thiên tai phức tạp, dị thường từ đầu năm 2024
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT cho biết, trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu tác động mạnh mẽ của hiện rượng El Nino và biến đổi khí hậu. Đây là năm được ghi nhận có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu và là năm thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam. Nhiệt độ cao nhất Việt Nam từ trước đến nay đã xuất hiện với trị số 44,2 độ ở Bắc Trung Bộ.
Mặc dù các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền nhưng các đợt mưa, lũ lớn diện rộng gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và dông lốc, gió mạnh trên biển đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Ông Cường cho hay, từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3/2024 với nền nhiệt thấp ở đồng bằng Bắc Bộ dưới 15 độ C và vùng núi dưới 13 độ C, nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp...
Nhận định xu thế thiên tai năm 2024, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay: Về dự báo số lượng bão/áp thấp nhiệt đới, đầu mùa ít khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông. Sau đó vào mùa bão năm 2024 (từ cuối tháng 6), số lượng bão/áp thấp nhiệt đới năm 2024 trên khu vực Biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Khả năng cao xuất hiện tập trung nhiều vào nửa cuối mùa bão.
Về tình hình nắng nóng, dự báo cao điểm nắng nóng ở Tây Bắc Bộ vào tháng 5-6; Đông Bắc Bộ cao điểm tháng 6-7; Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế cao điểm tháng 6-7; Đà Nẵng - Khánh Hòa cao điểm tháng 7; Nam Bộ cao điểm tháng 3 - 4. Số đợt nắng nóng có khả năng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.
Mùa lũ năm 2024 ít có khả năng đến sớm trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, nguồn nước trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm trên các sông chính khu vực Bắc Bộ ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn trung bình nhiều năm.
Dự báo kịp thời thiên tai nguy hiểm
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, đầu mùa ít khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Từ cuối tháng 6, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Khả năng cao xuất hiện tập trung nhiều vào nửa cuối mùa bão.
Về mùa mưa tại Bắc Bộ, theo ông Lâm, có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật khí hậu. Mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn. Từ tháng 6, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nên khả năng mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ gia tăng. Mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung Bộ.
Ông Lâm cũng lưu ý, từ tháng 4 đến tháng 7, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên ở mức thiếu hụt so với trung bình từ 15 - 55%. "Nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng từ tháng 4 đến tháng 6. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận từ tháng 5 đến tháng 8", ông Lâm cảnh báo.
Các chuyên gia dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường. Do đó, toàn ngành cần theo dõi chặt chẽ, cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên phạm vi cả nước và cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024 do Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức chiều 21/3, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giới thiệu hệ thống cảnh báo trực tuyến lũ quét, sạt lở đất; báo cáo về kết quả phân vùng rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt và lũ quét phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai…
Cơ quan phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khẳng định vai trò quan trọng của công tác dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai; đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngay trong năm 2024 này…
Ngày 21/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi của quy hoạch bao gồm toàn bộ phần diện tích đất liền và các huyện đảo có đông dân cư, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh như: Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt, cấp và tạo nguồn cấp nước cho nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế... Cấp nước tưới chủ động cho diện tích lúa 2 vụ với tần suất bảo đảm 85%, riêng vùng Đồng bằng sông Hồng bảo đảm 85-90%, đối với các vùng khó khăn về nguồn nước (miền núi, biên giới, hải đảo, ven biển) bảo đảm 75-85%. Cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm với khoảng 10,5 triệu con; cấp nước, thoát nước chủ động cho 1,35 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh, tập trung.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 22/3: Nhiệt độ ở Hà Nội sẽ lên sát 40 độ C vào ngày nào? | SKĐS