Mưa lũ liên tục tại miền Trung: Nước ngập trạm y tế, thầy thuốc vẫn trực cứu dân

04-10-2010 21:58 | Tin nóng y tế

Liên tục trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt nặng nề tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

- Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nặng nề tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.

- Nhiều trạm y tế tốc mái, đổ tường, ngập sâu trong nước.

- Bộ Y tế có công điện khẩn yêu cầu ngành y tế các địa phương khẩn trương, chủ động phòng chống trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Liên tục trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt nặng nề tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW, lũ trên các sông Quảng Bình có xuống nhưng chậm và vẫn còn ở mức cao, các sông ở Hà Tĩnh và từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên. Trước tình hình mưa lũ phức tạp, ngày 4/10 Bộ Y tế đã có công điện khẩn yêu cầu ngành y tế các địa phương khẩn trương, chủ động phòng chống trước tình hình mưa lũ đang diễn tiến phức tạp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Tại Hà Tĩnh, mưa lũ đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người, làm nhiều địa phương bị chia cắt, đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại huyện miền núi Vũ Quang, mưa lũ đã cuốn trôi 2 người. Cùng đó, nước lũ đã tràn qua nhà máy thủy điện Hố Hô đã cuốn trôi 1 tổ máy và phá hỏng toàn bộ nhà máy phát điện nằm phía sau tràn. Trao đổi qua điện thoại với PV báo Sức khỏe&Đời sống tình hình thiệt hại về y tế địa phương, ông Lê Lành-Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tính đến sáng ngày 3/10, mưa lũ đã làm 6 người chết và mất tích. Về thiệt hại y tế, tại huyện Hương Khê, có 20 trạm y tế bị tốc mái, đổ tường rào, 9 trạm bị ngập nước, đặc biệt là trạm y tế xã Phương Mỹ bị ngập sâu tới 4m; phòng khám đa khoa khu vực Trúc cũng bị ngập. Tại huyện Vũ Quang, nhiều xã hiện tại vẫn đang bị cô lập, chia cắt, hơn 800 công trình vệ sinh đã bị ngập nước. Tại huyện Hương Sơn, theo thống kê ban đầu, đã có 45 giếng nước và nhiều công trình vệ sinh bị ngập nước. Ngành y tế địa phương đã cử hai đoàn công tác y tế tới 2 huyện Vũ Quang và Hương Khê cùng người dân nhanh chóng khắc phục tình hình thiệt hại và sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân do mưa lũ gây ra.

 Đội ngũ y bác sĩ luôn sẵn sàng cấp cứu cho các nạn nhân do mưa lũ gây nên.

Tại tỉnh Quảng Trị, mực nước các sông lớn đều vượt mức báo động 1, có nơi trên báo động 2, báo động 3, gây lũ và ngập nặng ở nhiều địa phương. Tại huyện Hải Lăng đã có một cháu bé hơn 2 tuổi bị chết đuối. Các tuyến đường trọng yếu trên địa bàn huyện bị ngập sâu không đi lại được. Ông Trần Kim Phụng-Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến trưa 4/10, tỉnh Quảng Trị đã có thiệt hại về người và nguyên nhân đều do người dân bất cẩn. Cùng đó, tại huyện Hải Lăng, đã có một số trạm y tế xã bị ngập lụt. Hiện tại, ngành y tế địa phương đang khẩn trương khắc phục tình hình ngập lụt tại một số trạm y tế tại huyện Hải Lăng và tiếp tục yêu cầu các địa phương sẵn sàng đối phó với tình hình mưa lũ.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa to gây ngập úng trên diện rộng. Các phường nội thành cố đô Huế nước vẫn còn ngập từ nửa mét đến 1m. Các xã dọc sông Ô Lâu thuộc huyện Phong Điền nước ngập sâu 1m. Trước đó tại huyện Phong Điền, xảy ra một cơn lốc làm tốc mái 3 ngôi nhà và ngã đổ nhiều cây xanh. Riêng tỉnh lộ 17 đoạn từ thị trấn Phong Điền đi xã Phong Mỹ nước gập sâu 1m.

Ông Lê Viết Bắc-Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều địa phương bị ngập lụt do mưa lũ nhưng chưa có thiệt hại về y tế. Ngành y tế địa phương đang tiếp tục chỉ đạo y tế cơ sở không được chủ quan, chủ động sẵn sàng đối phó với các diễn biến của thời tiết.

Bộ Y tế cấp xuất hàng hóa giúp ngành y tế miền Trung khắc phục hậu quả bão lụt

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã liên tục có công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế  theo dõi diễn biến của thời tiết và có kế hoạch phòng chống mưa lũ cụ thể đối với từng địa phương. Các Sở Y tế cần chủ động triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế  tại các vùng có nguy cơ xảy ra mưa lũ, đặc biệt là những vùng trũng, thấp, vùng đồi núi có nguy cơ lũ ống, lũ quét cao. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện và tổ chức trực ban 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu miễn phí cho các nạn nhân do mưa lũ gây ra.

Tiếp đó, để giúp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế chủ động đối phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Bộ Y tế cũng đã cấp xuất cho mỗi Sở Y tế của các tỉnh trên mỗi Sở 10 cơ số thuốc phòng chống lụt bão và 100.000 viên Cloramin B và 100 chiếc áo phao/Sở Y tế.

ANH TUẤN

Ý kiến của bạn