Hà Nội

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc

12-10-2017 21:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây ra mưa lũ tại một số tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền núi phía Bắc dẫn đến lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, đặc biệt tại Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Bình...

Theo thống kê sơ bộ của Bộ NN&PTNT, đến sáng 12/10/2017 đã có 37 người chết và 40 người mất tích. Công tác đối phó, ứng cứu đang được diễn ra hết sức khẩn trương.

Không để người dân đói, rét vì mưa lũ

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát Đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều. Thủ tướng đã trực tiếp đi ca nô trên sông Hoàng Long để thị sát tình hình lũ và làm việc với lãnh đạo tỉnh tại nhà vận hành Đập tràn Lạc Khoái.

Bác sĩ Trạm Y tế xã Đồng Ruộng, Đà Bắc, Hòa Bình cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ảnh: Mạnh Hùng (báo Hòa Bình)

Bác sĩ Trạm Y tế xã Đồng Ruộng, Đà Bắc, Hòa Bình cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ảnh: Mạnh Hùng (báo Hòa Bình)

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh Ninh Bình trong việc hạn chế thiệt hại, chỉ đạo di dân, chủ động phương án phân lũ, theo dõi sát tình hình, có căn cứ khoa học chưa phá đê xả lũ khi mực nước đã dâng trên 5,5m. Đến nay, phương án này được xem là sáng suốt, giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24 giờ, thành lập ban chỉ huy ngay tại đập tràn, tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều - hiện đã no nước, có nguy cơ thẩm thấu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có mặt tại tỉnh Hòa Bình và đến hiện trường để chỉ đạo xử lý giải quyết sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng khu vực xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc. Thông tin ban đầu cho biết, đã có 18 người dân thiệt mạng. Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lực lượng chức năng nỗ lực khắc phục hậu quả, tìm kiếm người còn mất tích... Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan và các gia đình lo hậu sự chu đáo cho người đã mất.

Trước đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ. Công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; khu vực hạ lưu các hồ đập có nguy cơ xảy ra sự cố để bảo bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bằng mọi biện pháp tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập do ngập sâu, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói...

Người dân Yên Bái thu dọn nhà cửa sau lũ.

Người dân Yên Bái thu dọn nhà cửa sau lũ.

Y tế tập trung cứu chữa người bệnh

Yên Bái: Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Yên Bái, mưa lũ hơn 1 ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với các địa phương phía Tây tỉnh Yên Bái với hơn 739 ngôi nhà bị thiệt hại, nhiều tài sản và hoa màu bị hư hỏng. Mưa lũ tại Yên Bái đã khiến 22 người chết và mất tích, nhiều người bị thương. Thiệt hại về vật chất cũng rất lớn.

Số người chết và mất tích do mưa lũ có thể còn tăng lên. Hiện, công tác tìm kiếm cứu hộ đang được triển khai.

Đối với ngành y tế, BS. Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái trao đổi qua điện thoại cho biết, tính đến sáng 12/10, báo cáo nhanh của các cơ sở y tế không có thiệt hại lớn về cơ sở vật chất. Duy nhất, Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Lộ bị nước tràn vào ngập sâu ở tầng 1. Một số trang thiết bị y tế do không di chuyển kịp hỏng hóc do nước. Tại huyện Trạm Tấu, do hiện nay vẫn đang bị chia cắt, cô lập nên ngành y tế đã quyết định tăng cường bác sĩ ở Bệnh viện huyện Nghĩa Lộ cùng với các đoàn công tác của tỉnh cố gắng có mặt sớm nhất tại BV huyện Trạm Tấu để khám chữa cho 2 bệnh nhân nặng.

Ngành y tế bố trí 2 xe cứu thương và các phương tiện cần thiết để cứu hộ, hỗ trợ các lực lượng. Để tránh phát sinh dịch bệnh, nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó; thực hiện nguồn hỗ trợ trước mắt nhằm đảm bảo an sinh tại chỗ như ăn, mặc, ở; hỗ trợ dựng nhà để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người dân; tiếp nhận và phân bổ hỗ trợ kịp thời, công khai, công bằng; thành lập Sở chỉ huy hiện trường để làm đầu mối và tập trung trong công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.

Thanh Hóa: Tại huyện Thường Xuân, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên từ đêm 9/10 đến trưa ngày 11/10, trên địa bàn huyện đã có mưa to đến rất to khiến mực nước các sông dâng cao, gây ngập lụt và chia cắt cục bộ tại nhiều tuyến giao thông chính, gây thiệt hại nặng nề. Mưa lớn cũng khiến 1.825 hộ bị cô lập, 3 nhà bị cuốn trôi, 9 nhà đổ...

Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện số 2229/SYT-VP gửi các đơn vị trong toàn ngành yêu cầu ứng trực, sẵn sàng cấp cứu, thu dung bệnh nhân. Lập kế hoạch và sẵn sàng di dời các cơ sở y tế đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bệnh nhân, trang thiết bị y tế.

Tại Hòa Bình: Người dân vùng bị cô lập ở huyện Đà Bắc là Đồng Nghê, Suối Nánh, Đồng Ruộng, Đồng Chum đang được chính quyền địa phương thực hiện cứu trợ lương thực và hỗ trợ người chết, mất tích.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành y tế sẵn sàng lên phương án tham gia cấp cứu, chăm sóc sức khỏe người dân và phòng dịch bệnh sau mưa lũ.

Ngày 11/10, Bộ Y tế đã có Công điện 1104/CĐ-BYT về việc chủ động triển khai công tác đáp ứng y tế để ứng phó với các tình huống mưa lũ do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây ra. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình của mưa lũ, chủ động phòng chống lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở vùng trũng, phát huy phương châm 4 tại chỗ đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Công điện cũng yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh xây dựng phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế tại những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, những vùng thấp trũng và có nguy cơ ngập úng. Hướng dẫn nhân dân cách xử lý nguồn nước bị ô nhiễm để chủ động đối phó với mưa lũ lớn gây chia cắt lớn, dài ngày.

Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu sẵn sàng thu dung và cấp cứu nạn nhân do ảnh hưởng của mưa lũ và sạt lở đất. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng cấp cứu tuyến dưới khi có lệnh... Triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh sau mưa lũ...

Các đơn bị trực thuộc Bộ sẵn sàng các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện, phân công đội ngũ cơ động trực ban sẵn sàng hỗ trợ y tế các địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.


PV - CTV
Ý kiến của bạn