ATNĐ hướng vào Nam Trung Bộ
Bản tin phát hồi 14.30’ ngày 3/11 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 13 giờ ngày 3/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,4 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km.
Đến 13 giờ ngày 4/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 260km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 và có mưa dông mạnh; biển động.
Từ sáng 4/11, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Ngãi, tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-3m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Trong ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng phát bản tin về tình hình lũ khẩn cấp ngập lụt nghiêm trọng.
Theo đó, tại vùng hạ lưu Sông Cái Nha Trang, Sông Dinh (tỉnh Khánh Hòa), mực nước lúc 13h trên Sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng đang ở dưới báo động 3 là 0,79m, sông Dinh tại Ninh Hòa ở trên mức báo động 2 là 0,14m. Dự báo, lũ trên các sông ở Khánh Hòa tiếp tục lên. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất và ngập lụt nghiêm trọng tại vùng trũng, thấp, đặc biệt tại Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh, Cam Ranh, thành phố Nha Trang, Diên An, Khánh Sơn. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Tại vùng hạ lưu Sông Ba(tỉnh Phú Yên), vào trưa 3/11, hồ sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng từ 10400m3/s, mực nước hạ lưu sông Ba đang tăng nhanh. Mực nước lúc 13h tại Củng Sơn 35,37m trên BĐ3 0,87m, tại Phú Lâm trên báo động 1 là 0,39m, dự báo sẽ tiếp tục lên nhanh trên mức báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất và ngập lụt nghiêm trọng tại vùng trũng, thấp, đặc biệt ở các xã thuộc thành phố Tuy Hòa, các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Tình hình mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên theo dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió đông trên cao nên từ nay đến 5/11 ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to. Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 6-8 độ Vĩ Bắc nên các tỉnh Nam Bộ có mưa, mưa rào rải rác; từ đêm mai (4/11) có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông.
Khẩn trương ứng phó ATNĐ
Ngày 3/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai (PCTT), Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) ban hành Công điện hỏa tốc số 35/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Kiên Giang; các bộ: Quốc phòng, GTVT, Công Thương, Ngoại giao, TN&MT, TT&TT, NN&PTNT chỉ đạo đối phó với Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lũ.
Theo đó, để chủ động đối phó với ATNĐ và mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT TKCN các địa phương, bộ ngành phải theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNĐ để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Kiểm đếm quản lý việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ: Tổ chức kiểm tra các hồ chứa nước, nhất là các hồ đang xả lũ và các hồ đã đầy hoặc gần đầy nước; chủ động điều tiết nước hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du. Đồng thời chỉ đạo rà soát các phương án phòng chống mưa, lũ, lũ quét, ngập úng để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Chỉ đạo kiểm tra phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trên sông, suối; công trình khai thác, thăm dò dầu khí trên biển.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.