Mưa lũ, cảnh giác với bệnh tiêu chảy và cách xử trí

29-10-2021 07:13 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Khi môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm mầm bệnh rất dễ lan truyền gây bệnh cho người dân, vì vậy trong, sau mưa lũ nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy là rất cao.

6 bệnh thường gặp sau mưa lũ: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị6 bệnh thường gặp sau mưa lũ: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị

SKĐS - Sau mưa lũ sẽ là nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, chính vì vậy người dân cần nhận biết các dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số bệnh thường gặp sau mưa lũ.

1. Tại sao mưa lũ dễ gây bệnh tiêu chảy?

Trong và sau mưa lũ, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Thời điểm này, nguồn cung cấp thực phẩm tươi sạch, an toàn đến các vùng mưa bão thường gặp khó khăn về vấn đề vận chuyển.

Bên cạnh đó, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm cũng trở nên dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng có thể gây ngộ độc. Nguồn nước cũng có thể bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước và thực phẩm để chế biến thức ăn.

Chính vì vậy, mưa lũ không những làm cho môi trường bị ô nhiễm mà còn là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát sinh, phát triển gây ô nhiễm thực phẩm làm hư hỏng chất lượng thực phẩm, từ đó dễ gây tiêu chảy.

Đối với tiêu chảy cấp là tiêu chảy khởi đầu cấp tính và kéo dài không quá 14 ngày. Bệnh tiêu chảy cấp có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có nguyên nhân do virus, do nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng và một số nguyên nhân khác như dùng kháng sinh... trong đó nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nguồn nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.

Tiêu chảy kéo dài ngoài ảnh hưởng tới sự hấp thu đối với chất dinh dưỡng khiến cho người bệnh gầy gò, da nhăn nheo, sức đề kháng giảm, dễ bị nhiễm trùng (với trẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển). Với tiêu chảy cấp, nếu không xử trí kịp thời, nguy cơ trụy tim mạch rất có khả năng xảy ra; đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi, người có sức khỏe yếu.

Với trẻ em do sự phân bố nước trong cơ thể khác với người lớn, nên khi bị tiêu chảy dễ làm rối loạn nước (mất nước), các chất khoáng (điện giải) nhanh hơn và dễ dẫn đến tử vong.

photo-1635417514576

Tiêu chảy cấp nguyên nhân là do nhiễm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng.

2. Dấu hiệu nhận biết tiêu chảy

Bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá do mầm bệnh từ phân nhiễm vào thức ăn, nước uống, bàn tay, dụng cụ… qua miệng vào cơ thể.

Bệnh có một số triệu chứng điển hình như: 

  • Đầy bụng, sôi bụng, 
  • Tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả: Phân toàn nước đục như nước vo gạo). 
  • Người bệnh có thể có các biểu hiện kèm theo như: Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt, có thể bị chuột rút.

Người mệt lả do mất nước, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng: 

  • Khát nước, 
  • Da khô, nhăn nheo, hốc hác, 
  • Mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, 
  • Tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh... và có thể dẫn đến tử vong.

3. Các dạng tiêu chảy cấp thường gặp

Tiêu chảy do vi khuẩn

Đối với nguyên nhân do vi khuẩn gây tiêu chảy bao gồm: Vibrio cholerae, E. Coli, Clostridium difficile, tụ cầu (phân có nhiều nước, không có bạch cầu hoặc hồng cầu trong phân). Tiêu chảy do bản thân vi khuẩn (tiêu chảy xâm nhập): Shigella, Salmonella, E. coli, Campylobacter, Yersinia (phân thường có nhầy, đôi khi có máu)…

Các vi khuẩn này liên quan mật thiết đến vệ sinh an toàn thực phẩm với các biểu hiện lâm sàng chung thường thấy là: Sốt, nôn, đau bụng và tiêu chảy nhiều lần/ngày.

Tiêu chảy do Rotavirus

Sau khi bị lây nhiễm khoảng 24-48h thường gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường bệnh kéo dài từ 3 - 8 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 tuần. Bệnh bắt đầu bằng những biểu hiện sốt, ói mửa nhiều và sau đó là tiêu chảy.

Phân lỏng hoàn toàn, có lúc màu xanh nhưng không có máu, tiêu chảy và nôn ói lên đến 20 lần mỗi ngày.

Do bị nôn và đi tiêu lỏng nhiều nên rất dễ bị mất nước, nhanh chóng khô kiệt nếu không được chăm sóc kịp thời. Rotavirus phá hủy lớp bảo vệ của ruột non nên ảnh hưởng đến sự hấp thu của thức ăn đặc biệt là sữa. Điều này dẫn đến tình trạng sụt cân và suy dinh dưỡng ở trẻ bị tiêu chảy. 

Các biến chứng liên quan tới sự mất cân bằng muối và nước có thể dẫn đến suy yếu, đầy hơi và mất cân bằng acid máu, thường phải nhập viện kịp thời để điều trị, tránh tình trạng nặng có thể dẫn đến tử vong.

- Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả

Vi khuẩn tả gây bệnh sẽ có biểu hiện cấp tính, bùng phát trong vài giờ hoặc trong vài ngày tùy thể trạng mỗi người. Đó là do nhiễm vi khuẩn tả từ nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Những biểu hiện của người bị bệnh tả sẽ là: Bụng đau quặn thắt, đi đại tiện xối xả, liên tục 10-15 lần/ngày, phân lỏng toàn nước. Đặc biệt, phân rất tanh có màu trắng đục như nước vo gạo, phân thải ra không kèm máu và chất nhầy, miệng nôn thốc. 

Do đi ngoài nhiều, người bệnh nhanh chóng bị mất nước. Nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân dễ bị trụy mạch, có biến chứng, thậm chí tử vong nhanh chóng.

Mưa lũ cảnh giác với bệnh tiêu chảy và cách xử trí - Ảnh 3.

Nước cần được khử trùng bằng Choloramine B hoặc Clorua vôi.

4. Cách xử lý đúng khi bị tiêu chảy cấp

Do bệnh tiêu chảy cấp rất nguy hiểm vì tình trạng mất nước có thể dẫn đến tử vong, do đó việc bù nước là cực kỳ quan trọng.

- Bù nước bằng cách cho uống dung dịch Oresol, chú ý pha với nước đun sôi để nguội theo đúng hướng dẫn. Cho uống đến khi người bệnh thấy hết khát. Phần nước còn lại đổ vào chai sạch dùng trong ngày. Nếu ngày hôm sau còn dư thì đổ bỏ, không được dùng lại mà phải pha gói khác.

- Nếu không có Oresol bù nước bằng cách khác như: Cho uống nước cháo muối. Dùng tay bốc một nắm gạo đem vo sạch, đổ vào xoong và thêm 6 bát nước. Dùng ba ngón tay: Cái, trỏ và giữa bốc một nhúm muối bỏ vào xoong. Nấu cho tới khi gạo nở bung ra, không cần nấu thật nhừ. Chắt lấy nước cháo cho người bệnh uống. Phần cháo còn lại có thể nấu với thịt, cá... cho người bệnh ăn. Nên nhớ nước cháo này để bù nước chứ không phải để thay bữa ăn.

- Trong trường hợp không có gói Oresol hoặc không chuẩn bị kịp nước cháo muối thì có thể cho người bệnh uống nước muối đường: Lấy 1 muỗng cà phê muối, 8 muỗng cà phê đường pha trong 1 lít nước chín. Ngoài ra, có thể cho người bệnh uống các loại nước trái cây như: Nước dừa, nước cam, nước chanh...

Bên cạnh việc bù nước, người bệnh cần ăn thêm những thức ăn loãng dễ tiêu như cháo thịt, cá, súp... để giúp có sức khỏe.

  • Đối với trẻ em nếu bị tiêu chảy thì vẫn cho trẻ bú, ăn bình thường. Có thể chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần. Tuyệt đối không được bắt trẻ kiêng ăn. Nếu trẻ bị nôn, đi tiêu nhiều lần cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất. 
  • Đối với thai phụ nếu bị tiêu chảy cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị. Không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tự chữa bệnh.
Bệnh tiêu chảy cấp có thể xảy ra với bất cứ ai, đồng thời dễ lan rộng thành dịch, vì vậy khi phát hiện có những biểu hiện đi tiêu phân lỏng và nôn nhiều lần trong ngày phải đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị. Hoặc người bệnh có dấu hiệu bệnh không thuyên giảm và nặng lên cũng cần tới bệnh viện.
Mưa lũ cảnh giác với bệnh tiêu chảy và cách xử trí - Ảnh 5.

Nguồn nước bị ô nhiễm mầm bệnh rất dễ lan truyền gây bệnh tiêu chảy

5. Phòng tiêu chảy mùa lũ

Do mưa lũ nguồn nước sạch không có, nhiều vùng ngập lụt bị cô lập nên phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn để sinh hoạt. Vậy sẽ làm trong bằng phèn chua hòa vào nước (1 gam phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Trường hợp không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước.

Sau đó nước cần được khử trùng bằng Choloramine B hoặc Clorua vôi. Choloramine B dạng viên 0,25 gam rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum,vại… một viên 0,25 gam dùng cho 25 lít nước. Nước khử trùng 30 phút sau là sử dụng được.

Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của Clo, nước khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa vào các dụng cụ sạch dùng để nấu nước uống và chế biến thức ăn.

Các biện pháp vệ sinh thông thường khác như: 

- Thực hiện "ăn chín, uống sôi". 

- Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.

- Môi trường sống bị ô nhiễm do các chất phế thải của động vật và thực vật, xác súc vật. Sau lũ lụt cần khẩn trương dọn vệ sinh môi trường: 

  • Vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà. Lau rửa sạch sàn nhà, thau rửa bể nước, chum vại đựng nước, rửa sạch dụng cụ chế biến thức ăn. 
  • Khơi thông cống rãnh, không để nước đọng. 
  • Thu gom rác và xác động vật chôn lấp kỹ, dùng thuốc sát khuẩn nguồn nước và phun thuốc phòng dịch bệnh.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Truyền thông về xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ trên Báo Sức khỏe và Đời sống.

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến
Ý kiến của bạn