Hà Nội

Mưa lớn vẫn tiếp diễn ở miền Bắc; Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh mùa mưa lũ

01-08-2018 08:55 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tình hình mưa lớn kéo dài gây ngập úng trên nhiều địa bàn đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của rãnh tây bắc-đông nam có trục đi qua khu vực Bắc Bộ nên trong ngày và đêm qua (31/07) ở các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như tại Lạc Sơn (Hòa Bình) 68mm, Chi Nê (Hòa Bình) 66mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 55mm, Hà Đông (Hà Nội) 48mm, Hà Nam 70mm,…

Hiện nay (01/08), rãnh tây bắc-đông nam duy trì có trục đi qua khu vực Bắc Bộ. Dự báo, do ảnh hưởng của rãnh tây bắc-đông nam có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, trong sáng nay (01/08) ở các tỉnh Bắc Bộ còn có mưa, mưa vừa và rải rác có dông; riêng khu Đông Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch tại xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, Quốc Oai.

Tình hình mưa lớn kéo dài gây ngập úng trên nhiều địa bàn đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè cũng như các dịch bệnh có nguy cơ lây truyền trong mùa mưa lũ như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ.... Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác tiêm chủng các loại vắc xin để chủ động phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh như sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản...

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác đảm bảo y tế và phòng chống dịch bệnh tại các vùng bị ngập lụt sau mưa lũ của huyện Chương Mỹ và huyện Quốc Oai. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng 6 tháng đầu năm tại các quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết và vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống tay chân miệng. Tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…

Mưa lớn gây ngập lụt ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Ảnh minh họa.

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng  trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Dự báo thời tiết ngày và đêm 01/08/2018

Phía Tây Bắc Bộ: Nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm 68-99%. Nhiệt độ thấp nhất từ: 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 29-32 độ, có nơi trên 32 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ: Nhiều mây, sáng có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, riêng khu Đông Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; sau có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có nơi mưa vừa, mưa to. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm 66-99%. Nhiệt độ thấp nhất từ: 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 29-32 độ, có nơi trên 32 độ C.

Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế: Mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió tây nam cấp 2-3. Độ ẩm 60-97%. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 31-34 độ C.

Đà Nẵng đến Bình Thuận: Mây thay đổi, ngày nắng, có nơi có nắng nóng, đêm không mưa. Gió tây nam cấp 2-3. Độ ẩm 55-95%. Nhiệt độ thấp nhất từ: 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 32-35 độ, có nơi trên 35 độ C.

Tây Nguyên: Mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Gió tây nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm 63-96%. Nhiệt độ thấp nhất từ: 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 28-31 độ C.

Nam Bộ: Mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Gió tây nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm 60-95%. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 31-34 độ C.

Hà Nội: Nhiều mây, sáng và đêm có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm 67-98%. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 30-33 độ C.

D.Hải
Ý kiến của bạn