Chủ động phòng ngập lụt, chia cắt
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố kiểm tra khu dân cư hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp..., chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn; rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" đề phòng ngập lụt, chia cắt.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh; tổ chức lực lượng canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông; đảm bảo an toàn cho vật nuôi, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhất là tại các trang trại lớn.
Đồng thời, các địa phương kiểm tra và triển khai các biện pháp an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, các hồ chứa đã đầy nước; chủ động vận hành liên hồ chứa, hồ chứa, dành dung tích đón lũ đảm bảo an toàn công trình và hạ du; thu hoạch lúa đã chín tại Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, ngày 15/11, dự báo, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên mưa phổ biến 100-180mm, có nơi trên 280mm; các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa mưa phổ biến 60-100mm, có nơi trên 120mm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50mm/24 giờ, có nơi trên 70mm/24 giờ.
Trước diễn biến mưa lũ, các địa phương đã lên kế hoạch sơ tán dân khi lũ trên báo động 3 là 65.729 hộ/258.444 khẩu (Quảng Nam 28.952/115.806; Quảng Ngãi 2.445/9.464; Bình Định 7.031/25.642; Phú Yên 11.609/40.727; Khánh Hòa 1.794/7.320). Kế hoạch sơ tán dân vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất là 26.743 hộ/110.560 khẩu.
Mưa gây sạt lở núi, nhiều hộ dân được di dời
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho thấy, tại thị xã An Nhơn, hơn 700.000 cây mai ở các xã Nhơn Phong, Nhơn Hạnh và phường Nhơn Thành bị ngập trong nước lũ.
Tại huyện Phù Cát, tuyến đường ĐT639 đoạn qua xã Cát Thành đã bị ngập khiến giao thông chia cắt. Lực lượng chức năng xã đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cử lực lượng trực không cho phương tiện và người qua lại. Một số tuyến đường tại xã Cát Hiệp bị ngập sâu. Xã Cát Chánh có 130 ngôi nhà bị ngập nước lũ.
Hệ thống kênh mương nội đồng tại huyện Phù Cát đã bị mưa lớn làm cho sạt lở, vùi lấp với chiều dài hơn 700m. Hệ thống đê kè ở các sông, suối sạt lở nhiều đoạn với chiều dài 1,2km. Tỉnh lộ ĐT633 đoạn qua Núi Gành, xã Cát Minh bị đất, đá sạt lở trượt xuống mặt đường. Địa phương đã khẩn trương di dời 36 hộ dân sinh sống dưới chân núi Gành đến nơi an toàn.
Trong khi đó, tại thành phố Quy Nhơn, mưa lớn đã khiến cho nhiều tuyến đường và khu dân cư tại xã Nhơn Bình, xã Nhơn Phú và phường Ghềnh Ráng ngập sâu. Chính quyền địa phương đã tiến hành di dời 60 hộ dân ở các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt đến các nơi tránh trú an toàn.
Tại tỉnh Tây Ninh, chiều 14/11, một số khu vực tại Núi Bà Đen xuất hiện tình trạng sạt lở, nhiều tảng đá từ sườn núi lăn xuống chân núi nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của dân.
Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen thông tin, nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn kéo dài suốt 2 tuần làm nền đất yếu. Hiện tượng sạt lở tập trung ở khu vực lưng chừng núi, tại một số nơi địa chất yếu, khu vực đá mồ côi. Khu vực sạt lở không thuộc phạm vi các công trình, dự án đang xây dựng quanh núi Bà Đen.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu các cơ quan liên ngành kịp thời đánh giá những tác động địa chất có thể xảy đến tiếp theo trong tình hình thời tiết vẫn tiếp tục mưa lớn để xây dựng phương án ứng phó với hiện tượng sạt lở những ngày tới. Đồng thời, tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Núi Bà Đen cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, kịp thời bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời khắc phục, chuẩn bị phương án ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trẻ em sắp được tiêm vaccine COVID-19| COVID_19