Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An thông báo về việc tăng lưu lượng xả nước hồ chứa qua khoang đập tràn vào lúc 19 giờ 00 phút, ngày 20/9. Với lưu lượng xả từ khoảng 1.500 m3/s đến 2.000 m3/s và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ.
Thủy điện Bản Ang dự kiến xả qua khoang đập tràn sau 22 giờ 00 phút, ngày 20/9. Lưu lượng xả từ khoảng 500 m3/s đến 1.000 m3/s và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ.
Theo đó, trong 24 giờ tới, lưu lượng nước đến hồ Khe Bố trên sông Cả, mực nước hạ lưu sông Nậm Mộ và sông Nậm Nơn sẽ lên nhanh.
Cảnh báo, lũ trên các sông, suối lên sẽ gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, làm một phần bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn. Nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trước đó, từ trưa 19/9, để đối phó với đợt mưa được dự báo là rất lớn do ảnh hưởng từ bão số 4. Loạt thủy điện Bản Cốc, Châu Thắng, huyện Quế Phong được lệnh xả nước.
Cũng tại địa bàn huyện Quế Phong hồ chứa Thủy điện Sông Quang, xã Châu Thôn xả điều tiết nước với lưu lượng xả từ 30m3/s - 200m3/s, vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 20/9.
Hiện Thủy điện Bản Vẽ, hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ, cũng đang xả với lưu lượng xả qua công trình từ 800m3/s đến dưới 1.000m3/s.
Tại huyện Anh Sơn, mưa lớn khiến nước trên các sông, suối dâng lên rất nhanh. Trên địa bàn huyện còn có 28 điểm bị ngập nước, trong đó mố cầu Khe Lòa trên tuyến Tỉnh lộ 349D đã bị sạt lở, có nguy cơ sập cầu.
Chiều ngày 20/9, chị P.T.T. (SN 1986, trú tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn) đi xe đạp điện chở theo 2 người con đi qua cầu Ông Hân, xã Hoa Sơn bị nước lũ cuốn trôi. Hai cháu bé đã kịp bám vào ngọn tre và được cứu. Riêng chị T. mất tích. Tối cùng ngày lực lượng chức năng tìm thấy thi thể người mẹ.
Tại huyện Thanh Chương do mưa lớn liên tục, nước từ thượng nguồn đổ về nên ở địa phương đã xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Cụ thể, lũ quét xảy ra ở xóm 6, địa bàn giáp với xã biên giới Ngọc Lâm khiến 3 nhà dân bị ngập hoàn toàn. Tại khu vực núi Voi, xảy ra sạt lở núi dài khoảng 30m, lực lượng phòng chống lụt bão của địa phương đã dùng cọc tre, bao cát để khắc phục tạm thời, tránh đứt đường. Đồng thời, huy động lực lượng đến 10 hộ dân có nguy cơ cao bị ảnh hưởng khi sạt lở, cô lập khi nước lũ dâng cao tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ di dời dân.
Tại huyện Diễn Châu có 13 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu ngập lụt lớn nhất từ 0,1 - 0,5m. Nhiều ngày qua, các cống trên hệ thống hơn 20km đê biển, hơn 25km đê cửa sông đã được vận hành mở cửa xả để tiêu úng cho các địa bàn. Đặc biệt, tranh thủ mực nước triều cường thấp hơn mực nước trong đê, cống Diễn Thành tại cầu Đập Tràn là một trong 2 cống xả lớn nhất của huyện Diễn Châu đã thường xuyên mở cửa xả để tiêu úng, chống ngập cho 15.000 héc-ta vùng trũng của 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, 48 giờ tới: Chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, nhiễu động gió Đông trên cao hoạt động nên tỉnh Nghệ An trời nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Gió Đông đến Đông Bắc cấp 3 - cấp 4. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm và mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh đã ban hành văn bản về việc triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn trong những ngày tới.