Chiều 23/8, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đêm qua và sáng nay, Bắc Bộ và khu vực Hòa Bình đã xảy ra một đợt mưa với lượng rất lớn từ 50-100mm. Một số nơi có mưa lớn hơn như Thái Nguyên là 219mm, ở khu vực Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) mưa 195mm, Hoài Đức (Hà Nội) là 193mm. Đáng lưu ý, lượng mưa ở Hoài Đức đã vượt mức lịch sử được thiết lập vào tháng 8/2022 là 190mm.
Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, nguyên nhân của đợt mưa lớn lần này là vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên đến 5000m cộng thêm tác động của trường gió Đông Nam của khối không khí biển lấn từ phía Đông vào. Vùng xoáy thấp và đới gió Đông Nam tiếp tục duy trì nên từ chiều tối và đêm nay đến hết ngày 24/8, khu vực Bắc Bộ và Hòa Bình tiếp tục xảy ra mưa lớn với lượng mưa khoảng từ 50-100mm, có nơi trên 200mm. Ngoài ra, các khu vực khác có lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 100mm
Dự báo xa hơn, sau đợt mưa lớn này, Bắc Bộ chuyển sang trạng thái ít mưa cho đến hết tháng 8. Bước sang tháng 9 vẫn là tháng mùa mưa khu vực Bắc Bộ, vì vậy Bắc Bộ và các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục có nhiều ngày mưa vừa, mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, trượt lở đất trong thời gian tới tiếp tục ở mức cao đến rất cao.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong 12 giờ qua (từ 2 giờ đến 14 giờ ngày 23/8), khu vực các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng đã có mưa vừa, mưa to như: Cát Bà 161,4mm (Hải Phòng); Đồng Quang 156,6mm (Thái Nguyên); Quang Vinh 144,8mm (Cao Bằng); Lòng Dinh 106,2mm (Quảng Ninh); Mông Ân 94,5mm (Lạng Sơn)...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 3-6h tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến 20-40mm, có nơi trên 60mm, riêng các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn từ 30-50mm, có nơi trên 80mm..
Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện gồm:
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bắc Bộ và Hà Nội có mưa kéo dài, có khả năng xảy ra giông kèm gió giật | SKĐS