Mưa lớn kéo dài, cách nhận biết cây sắp gãy đổ tránh tai nạn thương tâm

24-05-2022 09:03 | Xã hội
google news

SKĐS - Mưa lớn kéo dài khiến nền đất bị yếu, rễ cây không còn sức bám dẫn đến bật gốc, gây nguy hiểm cho người đi đường. Một vài lưu ý cần biết tránh tai nạn từ cây gãy đổ.

Thận trọng với cây mới trồng

Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc khiến nhiều địa phương bị ngập lụt, tình trạng cây xanh gãy đổ, gây thương vong cho người và hủy hoại tài sản cũng có nguy cơ xảy ra nhiều hơn.

Theo TS. Đặng Văn Đông, Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa và cây cảnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả, hiện có tình trạng khá phổ biến là người ta trồng mới những cây có đường kính rất to, thậm chí là rất lâu năm. Những cây này được thu mua, chặt hết rễ rồi người ta vận chuyển về thúc cho ra rễ để cây sống. 

Rễ cọc – bản chất là loại rễ giúp cây có thể trụ vững, bám sâu xuống đất, đã bị chặt bỏ. Như thế, cây trồng sẽ không bám chắc được xuống đất. Rễ cọc đã chặt đi thì sẽ không phát triển lại được. Rễ mới ra sẽ chỉ có rễ chùm, rất nguy hiểm nếu có giông lốc, bão.

 Mưa lớn kéo dài, phòng tránh cây bị bật gốc - Ảnh 2.

Một vụ cây xanh gãy đổ đè lên ô tô ở Hà Nội mới đây.

Cũng theo TS. Đặng Văn Đông thì cây có kích thước càng lớn, càng nguy hiểm khi có gió bão. Cách tốt nhất là nên sử dụng loại cây vừa phải, không quá lớn, nhưng chắc chắn, cây sẽ phát triển nhanh và an toàn. Để trồng cây xanh, nên có kế hoạch, tránh nóng vội, đặc biệt là không nên mua những cây cổ thụ không rõ nguồn gốc vườn ươm. Tốt nhất là nên đầu tư vườn ươm trồng trước khi đưa ra trồng chính thức. Cây trong vườn ươm giữ nguyên rễ, cây sẽ phát triển từ từ, rất bền. Việc đi thu mua các cây về để trồng rất nguy hiểm vì khả năng hồi phục rễ là rất kém, cây dễ bị đổ. Nên trồng các cây nhỏ, vừa sẽ phát triển rất nhanh.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng nhiều nhà cao tầng cũng gián tiếp che chắn những cái cây. Chưa kể tạo nên những "hẻm gió" do những dãy nhà chắn lại. Những "hẻm gió" cũng tạo ra những khu vực lốc xoáy mà khi có bão thì nhân sức phá hoại lên nhiều lần.

Theo TS.KTS Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị, Đại học Lâm Nghiệp, hiện đang là chuyên gia độc lập về đô thị thì cây xanh đô thị không thể trồng theo kiểu khoét lỗ rồi cắm cây xuống đất được. Đây là cách trồng phi khoa học, cây không thể phát triển được. Khi trồng cây to thì rễ lớn của nó bị chặt hết. Sau đó khả năng ra rễ nhỏ hạn chế, bộ rễ sẽ yếu. Trồng cây to sẽ không có tán lá, chỉ có cành không, các chồi mọc ở lớp vỏ cây rất dễ gãy, gây nguy hiểm.

Nhận biết cây sắp gãy đổ

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, khi chọn cây để trồng làm cảnh quan thì phải chú ý chọn loại cây phù hợp với điều kiện sinh thái, tầng đất, phong cảnh, các yếu tố môi trường. Để cây không gãy đổ thì phải trồng đúng kỹ thuật, nơi có tầng đất sâu ít nhất từ 1-2m, rộng khoảng 3-4m. Nếu đó là công trình xây dựng chỉ có cát thì phải đổ đất phù sa, đất thịt vào hố trước khi trồng. 

Không trồng cây trong các ô quá nhỏ, không có đất để rễ có thể bám. Không nên trồng cây quá to vì loại cây này đã bị cắt hết rễ, không an toàn, nhưng cũng không nên trồng loại cây quá nhỏ, khó chăm sóc, bảo vệ. Chọn loại cây vừa phải, giữ nguyên rễ cọc của cây để chúng có thể bám sâu vào đất.

Trường hợp quan sát thấy một cây lâu năm, cây cổ thụ mà bỗng nhiên rụng nhiều lá, còi cọc, lá vàng, cành yếu… thì phải kiểm tra thân cây xem có bị sâu đục, rễ cây có còn phát triển bình thường không để tiến hành các biện pháp gia cố, chằng buộc chắc chắn, tránh cây đổ.

PGS.TS Trần Hợp, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, một số loài cây sống ở vùng đất khô thì rễ cây thường nông, hay bị gãy đổ. Đối với tất cả các loại cây có tuổi đời lâu năm, đặc biệt là cây trên 30 năm tuổi cần phải tiến hành khảo sát đánh giá rễ cây bằng cách khoan, siêu âm kiểm tra, đo rễ, tìm hiểu xem có bị thối rễ không, cây có bệnh gì không.

Công nghệ kiểm tra này khá đơn giản, có thể cho ra ngày kết quả là rễ cây có đang bám chắc không, có cần phải gia cố gì cho cây hay không. Ở các trường đại học có nghiên cứu về sinh học, cây cảnh… đều có thể thực hiện phương pháp siêu âm rễ cây này.

GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên giảng viên Đại học Lâm nghiệp cho biết, hiện nay Hà Nội và Sài Gòn đã quản lý cây theo hệ thống GIS, biết số lượng cây cụ thể rồi, cây nào là lớn, cây nào là bé. Trên cơ sở đó, xem cây nào to, cây nào lớn, cây nào nguy hiểm cao, thì phải rà soát trước chứ không thể chờ đến khi cây đổ mới rà soát. 

"Hiện do quá trình xử lý những công trình ngầm, những công trình điện hay cấp thoát nước, nhiều khi người ta chặt rễ đi mà không biết. Nó không làm cho cây chết mà vẫn còn xanh, đến lúc nào đó, rễ cây không bám chắc vào nữa dẫn đến gãy đổ. Khi nhìn thấy cây to thì người ta cắt cành đi, chứ còn mức độ nguy hiểm, kết cấu của cây, rễ cây như thế nào khả năng các công ty quản lý cũng không có nhiều thông tin" - GS. Đê nói.

Theo các chuyên gia, các công ty cây xanh nên thường xuyên kiểm tra tình trạng sâu bệnh của cây để có biện pháp xử lý sâu bệnh. Ngoài ra, phải chú ý đến tuổi của cây. Khi cây đã có tuổi (khoảng 20-30 năm) thì nhiều khả năng thân cây rỗng và rễ nông. Cây càng nhiều tuổi thì nguy cơ càng cao. Do đó cần kiểm tra thường xuyên, siêu âm rễ, thân để biết tình trạng cây, từ đó có kế hoạch chăm sóc phù hợp. Mỗi khi xây dựng, cải tạo lại sân, công trình có cây to, cần đặc biệt lưu ý không chặt bỏ rễ cây, tránh nguy cơ gãy đổ.

Ngày 17/5, lãnh đạo Đội CSGT số 1, Phòng CSGT – Công an TP.Hà Nội cho biết, vào khoảng 10h30 cùng ngày, người dân trên phố Lý Thường Kiệt thấy một cây phượng bất ngờ gãy ngang, đổ xuống đường đè lên 2 ô tô đang di chuyển. Sau khi nhận được thông tin Đội CSGT số 1 đã có mặt tại hiện trường để phân luồng giao thông. Cây phượng bị gãy đổ có tuổi đời hàng chục năm, trồng trước cửa số nhà 67. Khi đổ xuống đường, cây phượng chắn ngang làm ùn tắc giao thông.

Trước đó ngày 1/4 trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị, 1 xe máy và 1 ô tô đang lưu thông trên đường thì bất ngờ bị một cây phượng lớn, đường kính khoảng 50cm đổ ngang đường, đè lên. Tại hiện trường, chiếc xe máy bị đè bẹp dúm, hư hỏng phần đầu. Cây phượng bị bật gốc nằm chắn ngang đường lộ ra phần rễ. Rất may không có thương tích về người.

1 cụ bà chết vì cây đổ đè vào người, mưa dông tiếp diễn khắp cả nước1 cụ bà chết vì cây đổ đè vào người, mưa dông tiếp diễn khắp cả nước

SKĐS - Hiện nay (03/5), hội tụ gió trên mực 1500m kết hợp với áp cao lục địa tăng cường yếu lệch Đông gây mưa, mưa rào và rải rác có dông cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bỉ cách ly 21 ngày với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; Anh bắt đầu triển khai tiêm vaccine | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn