Mưa lớn kèm sét dẫn đến chết người ở miền Bắc; hàng chục nghìn hộ dân miền Trung thiếu nước

25-07-2019 16:49 | Thời sự

SKĐS - Tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ở miền Trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong khi đó nhiều địa phương miền núi phía Bắc chịu thiệt hại về người và của do mưa lớn, sét đánh...

Theo báo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Đồng Tháp, An Giang, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai (ngày 23/7) làm 1 người chết do sét đánh (Anh Phàn Văn Luyện, sinh năm 2001, thôn Thải Giàng, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà).

Tại Tuyên Quang: mưa lũ từ ngày 22-24/7 gây thiệt hại 12,56 ha lúa bị vùi lấp, 185 con gia cầm bị cuốn trôi, sạt lở 540m3 đất đá taluy đường giao thông (huyện hàm Yên, huyện Na Hang).

Tại Thái Nguyên (ngày 24/7): 1 người chết do sét đánh (Bà Phú Thị Hai, sinh năm 1966, xóm Thượng 2, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên).

Tại An Giang (ngày 23/7): mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm 879 căn nhà bị thiệt hại (39 căn sập hoàn toàn, 840 căn bị tốc mái ở thị trấn Tân Châu và các huyện Phú Tân, Chợ Mới, An Phú); 1.190ha lúa màu và một số cây ăn quả bị đổ ngã.

Tại Đồng Tháp (từ 22 – 23/7): mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm 4 người bị thương, 12 căn nhà bị sập, 208 căn bị tốc mái.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức  huy động lực lượng khắc phục hậu quả.

Nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu vụ Hè Thu năm 2019, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp kéo dài tại các tỉnh khu vực Trung Bộ, đặc biệt là các đợt nắng nóng từ ngày 09-12/6, 20-23/6 vơi nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-40oC, một số nơi có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử.

Hạn hán ở khu vực Trung Bộ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ảnh minh họa.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cụ thể: Khu vực Bắc Trung Bộ: Hiện có 5.240 ha (lúa 3.400 ha, rau màu 1.840 ha) đang bị hạn hán, thiếu nước (Quảng Bình 1.580 ha, Quảng Trị 2.800 ha, Thừa Thiên Huế 860 ha);

61.100 hộ bị thiếu nước sinh hoạt (Nghệ An 10.000 hộ, Hà Tĩnh 2.600 hộ, Quảng Bình 30.000 hộ, Quảng Trị 9.500 hộ, Thừa Thiên Huế 9.000 hộ).

Khu vực Nam Trung Bộ: Tổng diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước là 16.340 ha (lúa 15.930 ha, rau màu 410 ha), chiếm 4,6% diện tích lúa và cây hàng năm (Đà Nẵng 330 ha, Quảng Nam 3.100 ha, Quảng Ngãi 3.000 ha, Bình Định 4.060 ha, Phú Yên: 5.600 ha, Khánh Hòa 250 ha). Trong đó, diện tích cây trồng bị chết 516 ha (Bình Định 481 ha, Phú Yên 35 ha).

52.840 hộ bị thiếu nước sinh hoạt (Đà Nẵng 340 hộ, Quảng Nam 23.700 hộ, Quảng Ngãi 11.600 hộ, Bình Định 10.100 hộ và Phú Yên 6.800 hộ, Khánh Hòa 300 hộ).

Trước thực trạng này, Thủ tướng chính phủ đã có công điện hỏa tốc số 897/CĐ-TTg ngày 24/7/2019 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Ban Chỉ đạo TWPCTT và các Bộ, ngành liên quan về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông báo về tình hình mưa, nắng nóng và đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc sẵn sàng các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống nắng nóng, cháy rừng.


L.Nguyên
Ý kiến của bạn