Hà Nội

Mưa lớn diện rộng: Cảnh báo lũ quét, ngập lụt

16-07-2018 06:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 15/7, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vùng áp thấp trên khu vực Nam vịnh Bắc Bộ có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 12 – 24 giờ tới.

Mưa lớn diện rộng sẽ diễn ra ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vùng núi đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

Cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao cận nhiệt đới lấn mạnh về phía Tây nên từ ngày 15/7 đến hết ngày 17/7, ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Các địa phương chủ động phòng ngừa lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn.

Các địa phương chủ động phòng ngừa lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn.

Từ 15 - 17/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ xuất hiện một đợt lũ. Cảnh báo, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi các tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An,...; nguy cơ ngập lụt tại vùng trũng và đô thị ở các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, đến Quảng Trị.

Cuối tuần qua, khu vực nội thành Hà Nội đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 20-30mm/giờ, một số nơi trên 30mm như tại Trúc Bạch, Hồ Tây... Dự báo từ ngày 15-17/7, khu vực các quận trung tâm Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Để chủ động ứng phó với áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 10/CĐ-TW, ngày 15/7 đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định; các bộ, ngành: Quốc phòng, GTVT, TNMT, NN&PTNT chỉ đạo thực hiện: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp trên các phương tiện thông tin, thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các đại phương có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đặc biệt trên các đảo,...

Thủ tướng chỉ thị về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.

Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra năm 2017 và đầu năm 2018, tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, bố trí chỗ ở an toàn và ổn định đời sống, sản xuất; sửa chữa công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng...

Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến đường giao thông, khu sản xuất để chủ động di dời bảo đảm an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán khi xảy ra mưa lũ lớn. Triển khai các giải pháp cấp bách tiêu thoát nước, giảm tải để giảm nguy cơ sạt trượt, đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư trong mùa mưa lũ...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo, rà soát công tác bảo đảm an toàn các đập thủy lợi, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị và phương án ứng phó sự cố đập, nhất là các đập vừa, đập nhỏ xung yếu do địa phương quản lý. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án, sẵn sàng điều động, chi viện lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai.


Hà Đăng
Ý kiến của bạn