Cảnh báo sạt lở đất trên khu vực tỉnh Hòa Bình, Sơn La
Theo bản tin phát đi lúc 2h30 chiều nay (17/8) của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay khu vực Hòa Bình và khu vực phía Nam Sơn La đang có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa 3 giờ vừa qua, tại Lương Sơn 80mm, ...
Nhận định: Khoảng 5h30, các khu vực nói trên có thể mưa với lượng từ 30-80mm. Cảnh báo: Trong khoảng từ 5h30-8h30, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La đặc biệt là ở các huyện Lương Sơn (Hòa Binh); Mường La, Sốp Cộp, Sông Mã (Sơn La).
Ngoài ra, trong các bản tin phát đi lúc 11h15 sáng và 11h30 sáng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo sạt lở đất trên khu vực Yên Bái và Lạng Sơn.
Trong buổi sáng hôm nay, một số huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn có mưa rào và dông như Lạng Sơn (31,7mm), Mẫu Sơn (70,2mm). Cảnh báo sạt lở đất có nguy cơ xảy ra tại tỉnh Lạng Sơn đặc biệt là ở các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng.
Cũng trong buổi sáng nay, một số huyện thuộc tỉnh Yên Bái, Hòa Bình có mưa rào và dông như Lạc Thủy (23,2mm), Đà Bắc (27,6mm) thuộc tỉnh Hòa Bình; và Trạm Tấu (36,6mm) thuộc Yên Bái. Cảnh báo sạt lở đất có nguy cơ xảy ra tại tỉnh Yên Bái và Hòa Bình đặc biệt là ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải (Yên Bái); huyện Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Thủy (Hòa Bình).
Công điện ứng phó khẩn cấp với bão số 4 và mưa lũ
Chiều tối 16/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi một số địa phương, các bộ ngành liên quan về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 4 và mưa lũ.
Khu vực chịu ảnh hưởng của bão có các hoạt động kinh tế lớn, hệ thống cơ sở hạ tầng vừa trải qua các đợt mưa lũ kéo dài, nhiều hồ chứa nhỏ đã đầy nước, hệ thống đê điều đã xảy ra nhiều sự cố, ngập lụt kéo dài tại các khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng tại các khu vực miền núi phía Bắc.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và PTNT; Công Thương; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung khẩn trương, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung.
Khẩn thiết triển khai các biện pháp phòng tránh bão
Cụ thể, đối với khu vực trên biển cần quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu thuyền khi vào tránh trú; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu vực neo đậu; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền.
Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản ven biển.
Đối với khu vực trên đất liền, chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây.
Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án đang thi công, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện, bãi thải khai thác khoáng sản, vv...
Riêng đối với các tỉnh dự báo có mưa lớn, đặc biệt lớn (Thanh Hóa, Hòa Bình, Thủ đô Hà Nội…) cần quan tâm triển khai các giải pháp: Chống ngập úng vùng trũng thấp, ngập úng đô thị; lũ lớn trên các tuyến sông, hồ chứa; an toàn dân cư, đặc biệt những khu vực mới xảy ra ngập úng kéo dài như Chương Mỹ, Hà Nội.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ cần kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.
Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình chủ động tiêu thoát nước đệm để chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu. Các tỉnh, thành phố không tiêu tự chảy phải thực hiện bơm tiêu cưỡng bức chống ngập úng đô thị, dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Hồ chứa thủy lợi, thủy điện thường xuyên cập nhật tình hình, tính toán toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện và căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo vận hành phù hợp;
Hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ để chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống;
Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tập trung lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm, cơ số thuốc để cứu chữa những người bị thương; hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, tránh bùng phát dịch bệnh sau thiên tai.