Mùa lễ hội 2019: Đến hẹn lại... nóng

16-01-2019 11:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nước ta sẽ bước vào mùa lễ hội. Do đó, việc đảm bảo an toàn, gìn giữ và phát huy yếu tố văn hóa truyền thống và không để xảy ra những sự vụ “vỡ trận” tại lễ hội, sự phản cảm là điểm nóng trong dư luận lúc này.

Chuyển biến song hành tồn tại

Có thể nói, Việt Nam là đất nước của lễ hội bởi có hàng ngàn lễ hội diễn ra trong năm, đặc biệt lễ hội thường tập trung và diễn ra nhiều nhất trên dải đất hình chữ S vào mùa xuân. Năm qua, với sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cũng như chính quyền địa phương, nhiều lễ hội ở nước ta đã đi vào nề nếp, kỷ cương, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống cũng như hướng tới sự văn minh. Tuy nhiên, lễ hội là của cộng đồng, phục vụ chính nhân dân nên thực tế phản ánh nhiều lễ hội vẫn còn xảy ra sự phản cảm và gây bức xúc trong dư luận.

Lễ hội cướp phết Hiền Quan là “điểm nóng” vì luôn xảy ra cảnh hỗn loạn.

Lễ hội cướp phết Hiền Quan là “điểm nóng” vì luôn xảy ra cảnh hỗn loạn.

Ngược dòng thời gian, nhiều lễ hội lớn tại Việt Nam đã để lại “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, tốn nhiều giấy mực báo giới. Lễ hội Đền Trần (Nam Định) thu hút hàng vạn người dân cả nước tham gia, dù đã có nhiều phương án để không “vỡ trận” song vẫn xảy ra tình trạng chen lấn, leo trèo, cướp lộc, nhiều người đổ xô vào sân đền, dùng tiền, sớ xoa vào bảo kiếm, chuông đồng để cầu tài lộc. Trong khi đó, lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), trước khi khai hội, Bộ VH-TT&DL dù đã có công văn khẩn đề nghị địa phương chấn chỉnh, không để tình trạng bạo lực, phản cảm như mọi năm xảy ra. Nhưng bất chấp hàng trăm chiến sĩ công an, quân sự của địa phương đảm bảo an ninh trật tự nhưng khi lễ hội Hiền Quan khai màn, hàng trăm thanh niên vẫn lao vào cướp phết với cảnh hỗn loạn như phim hành động.

Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) năm 2018, trong buổi lễ tạ (còn gọi là lễ Mông Sơn) để xảy ra khung cảnh nhiều người dân tranh nhau lấy lộc, qua đó làm xấu đi hình ảnh của lễ hội lớn và có thời gian dài nhất ở Việt Nam dịp đầu năm mới. Bên cạnh đó, lễ hội chọi trâu tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương khác vẫn chưa đảm bảo an toàn cho người tham gia, lễ hội cầu trâu Hương Nha (Phú Thọ) còn lưu giữ tục đập đầu trâu rất bạo lực. Chưa kể, tình trạng người tham gia lễ hội ăn mặc hở hang, rải tiền lẻ, đốt vàng mã trái với truyền thống, thuần phong mỹ tục như “chuyện thường ngày” trong không gian lễ hội.

Dẫu vậy cũng phải thừa nhận, nhiều lễ hội năm qua đã dần hướng tới văn minh. Điển hình là lễ hội Đền Sóc (Hà Nội) 2018 không còn hiện tượng tranh giành cướp lộc như các năm trước. Lễ hội Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) không còn cảnh du khách thập phương hạn đốt đồ mã, vàng mã bừa bãi. Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu (Phú Thọ) bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Ngoài ra, lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) đến nay đã bước sang năm thứ tư không tổ chức chém lợn giữa sân đình...

Sẽ quyết liệt hơn

Người dân luôn mong muốn các Ban tổ chức lễ hội ở nước ta cần nhập cuộc quyết liệt hơn khi mùa lễ hội 2019 đã, đang đến nhằm hạn chế, xóa sổ những biến tướng, phản cảm, tiêu cực... Bởi nếu có sự quyết liệt để đảm bảo được nét đẹp văn hóa và sự văn minh, thông qua lễ hội sẽ góp phần giáo dục các thế hệ về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hiểu và trân quý đạo lý uống nước nhớ nguồn...

Mới đây, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, mùa lễ hội 2019 tại Thủ đô, cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác quản lý lễ hội. Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội sẽ phối hợp với các sở ban ngành thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi. Các hành vi tiêu cực, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục sẽ bị xử lý nghiêm. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2019 chia sẻ, các hành vi đổi tiền lẻ, dịch vụ kinh doanh thịt động vật hoang dã, treo móc thịt tươi sống phản cảm, thực phẩm nướng gây khói... trong mùa lễ hội này sẽ bị cấm. Ban tổ chức sẽ trực tiếp cấp phép cho những người tham gia công tác phục vụ ở các đền, chùa, động... trong khu vực thắng cảnh; kiên quyết xử lý hình thức quảng cáo bán hàng bằng loa đài, các điểm cờ bạc trá hình hay hàng quán trong khu vực các chùa, động.

Ngoài ra, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho biết, lễ hội cướp phết Hiền Quan 2019, Ban tổ chức cần bố trí đầy đủ phương tiện, công cụ và con người để kiểm soát, tránh để vỡ trận như những lần trước đó. Các giải pháp đảm bảo an toàn cần tính toán chặt chẽ, với việc cần tăng cường công tác tuyên truyền. Nếu xảy ra sự cố, có thể lễ hội cướp phết Hiền Quan sẽ phải tạm dừng. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Nghị định 110/2018/NĐ- CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp quản lý rất rõ ràng. Nếu các địa phương có lễ hội không có giải pháp khắc phục tiêu cực, tiếp tục để xảy ra các hiện tượng phản cảm khiến dư luận xã hội lên án thì lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn