Hà Nội

Mùa lạnh, mùa cúm và viêm phổi

12-11-2018 08:16 | Đời sống
google news

SKĐS - TS.BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa hô hấp (BV. Nhi Đồng 1) khuyến cáo, thời tiết lạnh đang diễn ra ở mọi nơi, thậm chỉ là cả phương nam tạo điều kiện cho cúm và các bệnh về phổi xuất hiện, đặc biệt là ở trẻ em.

Ước tính, thời điểm này, trẻ nội trú trong khoa hô hấp mỗi ngày khoảng từ 240-300.

Bệnh cúm là một bệnh hô hấp truyền nhiễm do siêu vi khuẩn cúm gây ra. Nó có thể gây ra tình trạng bệnh nhẹ đến nặng, và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Theo đó, hai nhóm bệnh chính liên quan đến hô hấp bao gồm nhóm bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, nhẹ thì viêm hô hấp trên, viêm phổi, viêm họng, viêm tai giữa...; nặng là các trường hợp viêm hô hấp dưới, đặc biệt ở trẻ em, với hai bệnh hàng đầu là bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Hai bệnh này có thể khiến trẻ nhập viện điều trị, thậm chí tử vong do biến chứng viêm phổi nặng. Nhóm thứ hai là dị ứng đường hô hấp liên quan đến thời tiết lạnh như thế này là viêm mũi xoang dị ứng và hen suyễn. Nếu không được phòng ngừa tốt, có khả năng trẻ mắc hen suyễn có thể bị lên cơn nặng khi trời trở lạnh.

Theo BS. Tuấn, giữ ấm đúng cách tùy theo mức độ lạnh của từng địa phương, tránh cho trẻ ra ngoài vào thời điểm lạnh nếu không thật sự cần thiết, là một biện pháp đơn giản nhưng bảo vệ sức khỏe cho trẻ rất hữu hiệu, nhất là ở trẻ nhỏ tuổi dưới 12 tháng tuổi và trẻ sơ sinh; sau nữa là các cháu có bệnh mạn tính như tim bẩm sinh, dị tật bẩm sinh, não…

Mùa lạnh, mùa cúm và viêm phổi

“Không nên cho trẻ như mặc quần áo quá dày. Trẻ càng ho, quần áo quá dày khiến trẻ thở ra khó khăn hơn, quan trọng hơn, các bậc phụ huynh không thể theo dõi và kiểm soát được nhịp thở của trẻ, khó nhận biết khi nào trẻ có thể chuyển biến nặng để kịp thời đưa trẻ đi viện. Bên cạnh đó cũng không nên lạm dụng tinh dầu hoặc không sử dụng tinh dầu trực tiếp trên da trẻ vì có thể gây ngộ độc hoặc làm phỏng trẻ,” BS. Tuấn cảnh báo.

Viêm phổi, viêm phế quản, xoang và nhiễm trùng tai giữa là những ví dụ về các biến chứng do cúm

Ngoài ra, nên tránh cho trẻ và các đối tượng nguy cơ tiếp xúc gần gũi với một người đang mắc bệnh cảm ho. Đơn cử, virut gây ra bệnh viêm tiểu phế quản có thể tấn công mọi người, từ trẻ nhỏ đến người lớn. Nhưng với trẻ lớn trên 2 tuổi mà mắc phải virut này có thể là cảm ho xoàng, vài ngày sẽ khỏi; còn ở trẻ nhỏ hơn, 90% bị viêm tiểu phế quản, tuổi càng nhỏ càng nặng nhất là em bé dưới 3 tháng tuổi.

Theo các chuyên gia, hầu hết những người bị cúm sẽ hồi phục trong vòng vài ngày tới khoảng hai tuần, nhưng một số người sẽ tiến triển các biến chứng (như viêm phổi) do cúm, nhiều trường hợp có thể bị đe doạ đến tính mạng và tử vong. Viêm phổi, viêm phế quản, xoang và nhiễm trùng tai giữa là những ví dụ về các biến chứng do cúm. Bệnh cúm có thể làm các tình trạng bệnh mạn tính tồi tệ hơn. Ví dụ, những người bị hen có thể bị các cơn suyễn khi họ bị cúm, và những người bị suy tim sung huyết mạn tính có thể cảm thấy tình trạng này trở nên tồi tệ hơn do bị cúm gây ra. Những người có nguy cơ cao do cúm bao gồm những người từ 65 tuổi trở lên, người ở bất kỳ lứa tuổi nào với một số bệnh kinh niên (bệnh hen, tiểu đường, bệnh tim), phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Vì vậy, mọi người, từ trẻ từ 6 tháng tuổi cho đến người cao tuổi, đều cần tiêm ngừa cúm càng sớm càng tốt, mỗi năm một lần, vì hiệu quả của chủng ngừa phải mất hơn ba tuần lễ, đặc biệt trẻ có bệnh mạn tính, người lớn tuổi, bệnh nhân hen suyễn, vì trong thời tiết lạnh, bệnh cúm và cả viêm phối có thể đến bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, chích ngừa phế cầu và Hibb có thể phòng ngừa viêm phổi. Phế cầu là một vi khuẩn hàng đầu gây ra các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở người lớn cũng như trẻ em, đặc biệt như là viêm phổi. Vì vậy việc chích ngừa phế cầu, cộng với một số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chẳng hạn như Hibb, các chuyên gia thế giới đã chứng minh giảm 50% nguy cơ viêm phổi ở trẻ em.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn