Múa Khát vọng của mùa xuân

30-01-2019 16:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mùa xuân... mặt trời rực rỡ trên trống đồng. Những hình hoa văn, hình chim lạc và những nam nữ vừa chèo thuyền vừa nhảy múa...

Trước khi có tiếng nói và chữ viết, nghệ thuật tạo hình đã xuất hiện bằng những hình vẽ, chạm khắc trên các thạp đồng, trống đồng, cả những nét vẽ ngây thơ, hồn nhiên trong những hang động với những hình người sinh hoạt, săn bắn, những muông thú, hoa lá, cỏ cây, thậm chí cả tình yêu nam nữ và nổi bật trên những mảng tạo hình hoang dại, đấy là những hình người nhảy múa mang tính lễ hội dân gian thật đậm nét, đậm đà và lôi cuốn. Vậy là nghệ thuật tạo hình (bằng đường nét, hình khối, màu sắc...) và nghệ thuật múa (tạo hình bằng chính bản thân người nghệ sĩ và màu sắc trang phục), đã gắn bó thật máu thịt với nhau biết bao nhiêu?

Đó là những màu sắc rực rỡ tương phản trên những váy xòe và chiếc ô của thiếu nữ Mông và mảnh áo gi-lê nam độc đáo với các hoa văn hình xoáy ốc và hòa sắc đỏ, đen, trắng hài hòa và lộng lẫy. Đó là sự nền nã, thon thả của phục trang Thái - Tây Bắc với áo váy bó sát thân thể, hấp dẫn bởi hàng khuy áo các thiếu nữ, giản dị mà lung linh như cánh hoa ban. Đó là hòa sắc màu chàm muôn đời độc đáo và dải thắt lưng nhẹ nhàng, duyên dáng trên mảnh áo dài buông của cô gái Tày Việt Bắc. Đó là những cô gái Mường với tiếng cồng chiêng Hòa Bình, một mảnh áo trắng mở ngắn và một thắt lưng của chiếc váy bó sát lên đến ngực tròn lẳn...

Rồi những cô gái Lô Lô trong vũ điệu tập thể trẻ trung, hồn nhiên trong sáng, cũng váy áo xòe và mảng hoa văn vuông trước ngực áo rực rỡ mà khiêm nhường. Rồi những đám cưới người Dao với tà áo bay và những quả bông tươi đỏ nở bùng trước ngực và một vạt áo nam cắt chéo gây ấn tượng một nét tạo hình độc đáo. Rồi những hòa sắc đỏ, đen, vàng của Tây Nguyên vừa hoang dại vừa mạnh mẽ, lại quyết liệt với mảnh gi-lê trần và mảnh khố, cùng với bộ áo váy cắt ngang ngực áo, bó sát thân hình em gái Tây Nguyên bên những bếp lửa bập bùng như bốc cháy ché rượu cần. Rồi những cô gái Chăm của vùng Tháp Chàm Ninh Thuận, Bình Thuận, tưởng như khêu gợi nhưng lại phô bày vẻ đẹp tạo hình như những bức phù điêu chàm bằng đá vũ nữ lặng câm.

Và hòa nhập, và khiêm nhường, và bùng cháy, và kín đáo, tế nhị nhưng rất quyến luyến và nâng niu nhau, chính là vành nón quai thao và mảnh áo tứ thân, mớ bảy mớ ba với màu sắc tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống... như cánh sen, hoa lý, đỏ gạch, xanh lam, xanh lục, đen tuyền, được phủ lên một làn the nõn nà, gợi mở nhưng duyên dáng của vùng quan họ Kinh Bắc - đồng bằng Bắc Bộ, nền văn minh châu thổ sông Hồng và kinh thành Thăng Long rồng bay ngàn năm...

Rồi còn nhiều, và còn nhiều nữa...Biết bao dân tộc trên đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những vẻ đẹp riêng, lạ lùng và độc đáo mà ta không thể nào kể hết trong các tác phẩm múa. Cũng như khi nói đến những ấn tượng trên là nói đến những bộ trang phục cho các tiết mục múa mà tự nó đã được nghệ thuật hóa, tức là từ cơ sở phục trang ngoài đời, người nghệ sĩ đã thả hồn sáng tạo vào đó, nâng nó lên, cố gắng đạt tới một ý tưởng thẩm mỹ, chắt lọc những tinh hoa sẵn có, cùng với những nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật múa làm thành một tiết mục múa hoàn chỉnh với tổng thể sáng tạo từ sáng tác, biên đạo, phục trang, âm nhạc và người nghệ sĩ biểu diễn...

Thời gian cứ khắc nghiệt trôi qua. Chúng ta hãy hình dung và nhớ lại cái “ngày xưa” với những mảng màu rực rỡ, cuốn hút, hấp dẫn, kỳ ảo của một thời mà các điệu múa dân tộc, hiện đại bừng lên, nở rộ khắp các đoàn ca múa, trong lòng mình bao giờ cũng đầy ắp kỷ niệm cháy bỏng và lòng khát khao vươn tới vẻ đẹp muôn đời của cuộc sống ngày xưa ấy, nghệ thuật múa như chắp cánh, bay lên... Vậy mà lâu nay, hình như nghệ thuật múa đang bị lãng quên chăng?

Tất nhiên công bằng mà nói, một số đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc ở Trung ương và một số tỉnh mạnh vẫn duy trì được sức sống nghệ thuật của mình, nhưng lại cũng nên công bằng hơn là múa đang lùi dần xuống thứ yếu, cứ phải là ca sĩ hát, rồi đến nhảy hiện đại, rồi đến múa minh họa, múa làm nền, múa trong khi ca sĩ ngừng hát, thậm chí múa cho có giữa hai bài hát của một ca sĩ...

Lâu nay, người ta hay nói đến múa - nhạc nhẹ. Nhưng chúng tôi cứ nghĩ buồn buồn - đó đâu phải là múa mà là nhảy, là kịch câm, là uốn éo, là gập người, là thể dục nhịp điệu, là một tí ti ở nước này, nước khác - Tây, Tàu, Hàn, Mỹ, Nhật..., là một biến dạng chạy theo thị hiếu mà ở nhiều nước người ta đã bỏ từ lâu... Trong khi đó, mở tivi, thấy ở các nước, người ta đã dùng múa minh họa cho ca sĩ lại rất nghiêm chỉnh, lịch sự, văn minh và thật là nghệ thuật, chưa kể đến những điệu nhảy minh họa ở một số tiết mục của ta thì phục trang của diễn viên thật đáng buồn nếu không nói là đáng xấu hổ - ăn mặc lòe loẹt, hở hang, xé váy, xé áo, kim tuyến lấp lánh vô tội vạ, cũng chẳng cần khâu mỹ thuật - biên đạo múa và diễn viên đi mua áo, mua vải, cứ nghĩ hở hang, khêu gợi là xong rồi..., ánh sáng lòe loẹt lên, khói bay mịt mù trên nền màn hình “lét”, ca sĩ thả dòng trôi trên sân khấu.

Khi viết nên đôi lời về nghệ thuật múa Việt Nam... không có nghĩa là chúng ta đổ lỗi cho một cơ quan nào đó, cho những người quản lý nhà nước, cho các nghệ sĩ sáng tạo và các nghệ sĩ biểu diễn. Cũng không thể đổ lỗi cho quần chúng, cho thị hiếu và cho cả các vi-đê-ô, các băng chưởng, hải ngoại và cho cả cái mà ta gọi là karaoke... gì đó. Mặc dù trong lòng cảm thấy buồn buồn, nhưng niềm tin của ta lại bùng cháy. Đã đến lúc nghệ thuật múa Việt Nam phải trở lại giá trị đích thực của nó, như tự nó đã tồn tại suốt mấy nghìn năm với một dân tộc đầy đau thương, bi hùng nhưng lại đầy kiêu hãnh...

Và như thế, múa - khát vọng của mùa xuân, khát vọng luôn bay tới của con người. Trên khát vọng đó là ngọn lửa - ngọn lửa vĩnh hằng của vẻ đẹp muôn đời của cuộc sống - hạnh phúc - tình yêu.

Lâu nay, người ta hay nói đến múa - nhạc nhẹ. Nhưng chúng tôi cứ nghĩ buồn buồn - đó đâu phải là múa mà là nhảy, là kịch câm, là uốn éo, là gập người, là thể dục nhịp điệu, là một tí ti ở nước này, nước khác - Tây, Tàu, Hàn, Mỹ, Nhật..., là một biến dạng chạy theo thị hiếu mà ở nhiều nước người ta đã bỏ từ lâu...

NSND Lê Huy Quang
Ý kiến của bạn