Ở da, có 3 loại ung thư chính là ung thư tế bào đáy (basal cell carcinoma), ung thư tế bào vảy (squamous cell carcinoma), và ung thư da hắc tố (melanoma). Melanoma tuy là dạng ít phổ biến nhưng lại là dạng dễ di căn tới những bộ phận cơ thể khác so với 2 loại kia. Melanoma gặp nhiều hơn ở người lớn, nhưng cũng có những trường hợp bệnh xuất hiện ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên.
Dấu hiệu phát hiện melanoma
Melanoma có thể chữa được nếu phát hiện sớm, vì vậy biết cách phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng. Có bốn dạng bệnh như sau:
Nốt ruồi ác tính: Bệnh khởi đầu bằng một dát sẫm màu, lan rộng dần, sau vài năm đậm dần lên. Thường gặp trên má người phụ nữ ở độ tuổi trên 40-50 tuổi. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả hai giới. Do tổn thương diễn biến chậm, màu đậm lên chậm nên rất ít gây chú ý, cho đến khi nó chuyển thành ung thư xâm lấn mới được người bệnh biết đến. Nếu nốt ruồi đột nhiên tăng kích thước, tăng độ cứng, tăng độ sậm da và nhất là chảy máu thì đó là dấu hiệu hư biến. Quá trình chuyển từ nốt ruồi sang ung thư là từ 1-30 năm và khi đã di căn thì rất khó điều trị.
Những nốt ruồi lạ là chỉ dấu ung thư da.
U hắc tố nông lan rộng: Loại ung thư này có nhiều màu: đen, đỏ, nâu, lục, trắng. Xung quanh tổn thương thường lồi lõm, nham nhở; bề mặt khối u ráp và không đều, nhất là trên các tổn thương đã xuất hiện từ lâu. So với nốt ruồi ác tính, dạng bệnh này tiến triển nhanh hơn nhiều. Triệu chứng nguy hiểm là dễ chảy máu, trợt da, loét hóa. U sẽ phát triển theo chiều ngang, rộng ra các bên, trong vài năm mới xâm nhập vào trung bì và nó có thể chuyển thành ung thư hắc tố cục.
U hắc tố nốt ruồi ở chi: Xuất hiện trên các vùng như lòng bàn tay, bàn chân, các khớp xương của các đốt ngón tay, chân. Dạng bệnh này là trung gian giữa nốt ruồi ác tính và ung thư hắc tố nông lan tỏa, bệnh hiếm gặp không xâm lấn trong thời gian dài. Đặc điểm là u có hình không đều, lan rộng nhanh, thường ở lòng bàn tay, bàn chân, nền móng, gót, đầu ngón, mép móng. Nếu u thay đổi màu sắc sang nâu nhạt hoặc nâu sẫm thì cần làm xét nghiệm ung thư ngay. Giai đoạn cuối của u dạng này thường chuyển sang dạng cục hay loét hóa.
Ung thư hắc tố dạng cục: Là một cục tăng sắc tố, kích thước thay đổi, tồn tại nhiều tháng hoặc nhiều năm, nhô lên bên trên một nốt ruồi ác tính hoặc trên u hắc tố lan rộng hoặc một u hắc tố nốt ruồi đầu chi. Nó thay đổi tăng kích thước, tăng màu sắc, chảy máu, rỉ dịch trong, hình thành u, loét hóa, hoặc tạo ra các dát sắc tố ở lân cận (gọi là các chấm mực). Lúc đầu u có đường kính 1-4 milimet, chúng sẽ lớn dần dần, không đồng nhất về màu sắc, chỗ nâu, đen xanh hay đen, bề mặt lỗ chỗ. Khi sự biến đổi sắc tố này kéo dài vài tháng thì u mới tăng kích thước và xuất hiện chảy máu.
Điều trị
Việc điều trị ung thư da có nhiều phương pháp, nhưng hiện nay phương pháp phẫu thuật vẫn đóng một vai trò chủ yếu. Để làm kín được chỗ da khuyết tổn sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u, người ta thường phối hợp với các phương pháp tạo hình như vạt da, ghép da rời, quay vạt da cơ. Phẫu thuật: những khối u có kích thước dưới 3cm đều được cắt bỏ lấn vào vùng rìa 4milimet kết hợp với tạo hình vạt da. Đối với những khối u có kích thước trên 3cm thì vùng rìa cắt bỏ trên 4milimet. Nếu có hạch, tiến hành nạo vét hạch hoặc kết hợp với tia xạ vùng hạch.
Nốt ruồi có dấu hiệu ung thư hóa.
Cách phòng bệnh
Có thể phòng tránh ung thư da với các biện pháp sau: Sử dụng các loại kem chống nắng phổ rộng, có chỉ số SFP từ 30 trở lên và bôi lại sau mỗi 3 tiếng hoạt động dưới ánh nắng mặt trời. Khi sử dụng kem chống nắng dạng xịt, để vòi phun cách da 1cm để đảm bảo có thể xịt đều và phủ kín da. Hạn chế hoặc tránh ra ngoài trời nắng vào lúc đỉnh điểm, khoảng từ 11- 14h, khi ra ngoài cần đội mũ rộng vành và đeo kính râm. Không nên làm rám nắng da (nhân tạo hay tự nhiên). Bởi khi da bị rám nắng là khi các tia UV đã làm tổn thương đến các ADN, từ đó gửi tín hiệu đến da để sản sinh và vận chuyển các hắc tố lên bề mặt để bảo vệ da khỏi các tổn thương tiếp diễn do tia UV. Các tín hiệu làm da trở nên rám nắng chính là các thay đổi ở mức độ phân tử có khả năng gây ung thư da.
Nhìn chung, những người có màu da sáng, màu mắt và màu tóc nhạt là những người có nguy cơ cao mắc ung thư da. Các yếu tố nguy cơ khác là: bệnh sử gia đình, có thời gian dài phơi nắng mà không có bảo vệ; đã từng bị cháy nắng khi còn nhỏ, những rối loạn suy giảm miễn dịch, hệ miễn dịch yếu, hoặc người có quá nhiều nốt ruồi và tàn nhang. Cả nam và nữ đều có nguy cơ mắc melanoma.