Thói quen mùa hè khiến trẻ dễ bị viêm họng cấp
Viêm họng cấp tính là sưng nề niêm mạc họng một cách nhanh chóng. Căn nguyên gây viêm họng cấp tính có thể do vi khuẩn, virus, vi nấm hoặc tác động của môi trường. Điều kiện thuận lợi nhất cho các loại vi sinh vật gây bệnh có nhiều, nhưng bị lạnh đột ngột là yếu tố rất cần được quan tâm. Lạnh đột ngột có thể do thời tiết thay đổi.
Mùa nắng nóng, trẻ dễ bị viêm họng cấp do dùng đồ uống quá lạnh như kem, nước đá... nếu cùng một lúc (hoặc ngay sau khi dùng đồ lạnh) trẻ chơi trước luồng gió xoáy của quạt, ở trong phòng máy lạnh hoặc quần áo ướt đẫm mồ hôi sẽ khiến cho trẻ càng dễ cảm lạnh gây viêm họng cấp.
Có khoảng 80% trẻ em bị viêm mũi, họng do virus, sau vài ngày do sức đề kháng của cơ thể trẻ yếu dần, đặc biệt là ở những trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng hoặc đang mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính (VA, hen phế quản) thì rất dễ tái phát.
Dưới đây là một số cách cha mẹ nên áp dụng để phòng tránh viêm họng cho trẻ
Đắp chăn mỏng cho trẻ khi ngủ
Mùa hè nắng nóng nhiều gia đình thường bật quạt ở mức cao, mở điều hòa ở nhiệt độ thấp…khi ngủ, lúc đêm xuống nhiệt độ hạ thấp nên rất dễ bị lạnh. Nhiều người chủ quan bật quạt suốt đêm, cửa sổ mở nên gió lùa bên ngoài vào dẫn đến viêm họng. Chính vì vậy, để phòng viêm họng, khi trẻ ngủ nên lấy chăn mỏng để đắp ở phần bụng cho trẻ. Ngoài ra, có thể quàng khăn mỏng ở cổ trẻ, việc này sẽ giúp ấm cổ phòng viêm họng.
Hạn chế ăn đồ lạnh, uống nước đá
Mùa hè nóng bức người lớn cũng như trẻ em rất thích ăn đồ mát trong tủ lạnh và uống nước đá, điều này dễ dẫn đến viêm họng.
Chính vì vậy, việc hạn chế ăn độ lạnh, uống nước đá sẽ giảm được tình trạng vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến viêm họng cấp. Để phòng bệnh viêm họng cấp cũng như các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ trong mùa hè, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ dùng đồ uống lạnh như kem, nước đá, các thực phẩm ướp lạnh.
Trong trường hợp trẻ muốn ăn, nên cho trẻ ăn chậm, không ăn nhanh, hấp tấp dẫn đến lạnh đột ngột. Nên dạy trẻ ngậm đồ lạnh 5 giây trong miệng rồi mới nuốt để làm giảm bớt độ lạnh khi đi qua vòm họng. Đối với sữa chua và các đồ ăn, yêu cầu phải bảo quản lạnh, sau khi lấy khỏi tủ lạnh, nên có thời gian để chúng "nguội" rồi mới thưởng thức. Ăn lạnh, uống lạnh sẽ khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống, vì vậy, sau khi thưởng thức xong, có thể cho trẻ uống một cốc nước lọc ấm để cân bằng nhiệt độ trong cơ thể.
Tránh để quạt thẳng vào mặt
Mỗi khi nóng bức nhiều người để quạt mức cao rồi thốc thẳng vào người để xua đi cái nóng. Điều này dễ dẫn đến mồ hôi bốc hơi nhanh. Nhiệt độ ngoài da giảm xuống rõ rệt tạo cảm giác mát mẻ. Riêng những vùng da không đón gió, mồ hôi sẽ bốc hơi chậm và nhiệt độ tại đó vẫn cao. Chính sự mất cân bằng nhiệt độ này là nguyên nhân khiến chúng ta dễ bị cảm, đau đầu, chóng mặt, viêm họng…
Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa phù hợp
Dùng máy điều hòa vào những ngày quá nóng là cần thiết. Tuy nhiên, gia đình nên thiết kế chỗ lắp đặt điều hoà hoặc điều chỉnh chỗ ngủ để luồng không khí lạnh ở máy không phả trực tiếp vào người. Không đưa trẻ đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài trời để tránh sốc nhiệt. Nếu cần đi ra ngoài nên tắt điều hoà khoảng 20 - 30 phút trước khi bước ra khỏi phòng, mở hé cửa để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài.
Nếu đi từ ngoài vào phòng điều hòa cần ngồi nghỉ một lát để nhiệt độ cơ thể trở về bình thường trước khi vào nhiệt độ trong phòng. Ngoài ra, nhiệt độ chỉ nên để ở mức khoảng 27 độ C và mức nhiệt chênh lệch 7 độ C so với ngoài trời là hợp lý. Bạn cũng có thể kết hợp thêm với các thiết bị làm mát khác để xua tan cái nóng thay vì giảm nhiệt độ xuống thấp.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và súc miệng bằng nước muối ấm
Trong khoang miệng con người có thể chứa nhiều loại vi khuẩn. Đây chính là tác nhân gây nên các bệnh về hô hấp, viêm họng và viêm amidan… Nếu không vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, các mảng bám lâu ngày sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và tấn công răng miệng, cổ họng gây viêm do thức ăn bám lại. Chính vì vậy, hàng ngày cần vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng cách chải răng 2 lần mỗi ngày, ít nhất 2 phút mỗi lần, thay bàn chải đánh răng theo chu kì 3 tháng. Súc miệng và cổ họng bằng nước muối loãng ấm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
Bên cạnh đó, việc cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ đa dạng và cho trẻ ăn uống các loại thực phẩm chứa nhiều Vitamin C để nâng cao sức đề kháng phòng chống bệnh là rất cần thiết. Bởi theo các bác sĩ, nguyên nhân gây nên hiện tượng trên bao gồm cả sức đề kháng giảm do thời tiết nóng lên. Từ đó, dễ gây viêm đường hô hấp cho trẻ, nếu nặng có thể gây viêm họng mủ, viêm amiđan mủ.
Tóm lại: Mùa hè thời tiết nóng bức, môi trường dễ ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật phát triển và gây bệnh. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ đúng cách để phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Khi trẻ bị viêm họng cấp, sốt cao nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ vì bệnh sẽ không khỏi mà đôi khi còn gây nguy hiểm, đặc biệt làm cho vi khuẩn kháng thuốc, nếu trẻ bị bệnh tái lại thì rất khó điều trị.