Hà Nội

Mùa hè, dễ ngộ độc thực phẩm

05-07-2014 14:14 | Đời sống
google news

SKĐS - Việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là cả một quá trình từ việc chọn thực phẩm đảm bảo, bảo quản thực phẩm chưa chế biến

Cái nắng oi bức của ngày hè là môi trường thuận lợi cho các loại vi sinh vật có trong thực phẩm phát triển mạnh nhất, đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Đây là dịp cần đề phòng ngộ độc.

Người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia...

Những nguyên nhân và cách phòng ngừa

Rau sống chưa được rửa sạch là một nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm bởi thức ăn do nhiễm vi khuẩn Salmonella…Đây là tình trạng hay gặp trong các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể ở các trường học bán trú, xí nghiệp sản xuất, buổi liên hoan hay lễ cưới... Vi khuẩn gây ngộ độc đa số là nhóm vi khuẩn đường ruột, khả năng gây bệnh của nhóm này yếu nên để gây bệnh thường phải có một lượng lớn thức ăn. Ngộ độc thực phẩm loại này thường xảy ra trong vòng vài giờ đến một ngày sau khi ăn các thực phẩm bị nhiễm.

Việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là cả một quá trình từ việc chọn thực phẩm đảm bảo, bảo quản thực phẩm chưa chế biến (đông lạnh, ướp muối...) hoặc đã chế biến (đậy, đằn, hâm, ướp lạnh...) đến quá trình giữ vệ sinh trong khâu chế biến, khi ăn uống. Trong đó, phương châm cần lưu ý là “ăn chín, uống sôi”.

Rửa tay trước khi ăn, chế biến thực phẩm

Rửa tay trước khi ăn, chế biến thực phẩm

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, trước hết cần chọn các thực phẩm tươi sống, tránh dùng thực phẩm kém chất lượng (ôi thiu, ươn...), không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng (hết đát). Nếu thực phẩm có mùi hôi, nên loại bỏ chúng. Các loại đồ hộp đã bị phồng cần loại bỏ ngay mặc dù vẫn còn hạn dùng.

Bảo quản kỹ lưỡng những thực phẩm chưa chế biến. Nghĩa là bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, vì các loại vi khuẩn gây hại tiềm ẩn trong thực phẩm sẽ phát tán rất nhanh nếu không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. Thực phẩm sau khi mua về khoảng 2 giờ tại các cửa hàng hay siêu thị cần được bảo quản lạnh. Còn nếu ở điều kiện nhiệt độ phòng (khoảng 320C), trong vòng 1 giờ thì các loại thịt nên được bảo quản trong tủ lạnh. Đối với các loại thực phẩm như: thịt, cá, hải sản có thể dự trữ trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 2 ngày, còn đối với thịt bò, thịt bê, thịt cừu thì có thể 3 - 5 ngày.

Làm chín thức ăn ở nhiệt độ thích hợp: các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Chỉ ăn, uống thực phẩm đã chín kỹ. Nên ăn ngay sau khi thức ăn được nấu chín. Rửa tay trước khi ăn, uống cũng là một biện pháp hữu hiệu phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm và thường xuyên giữ sạch tay trong quá trình chế biến, rửa tay sau khi đi vệ sinh. Đối với dụng cụ chế biến cần rửa lần đầu bằng xà phòng với nước ấm 45 - 500C, rửa lại lần hai bằng nước ấm.

Khi đi ăn ở ngoài (ăn quán, cơm bụi, hàng rong, qua vặt, ăn chè, sinh tố...ở các quán cóc ven đường), cần chú ý không ăn ở những quán quá ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ. Khi vào quán nên quan sát khu bếp, khu chế biến và nơi bảo quản thực phẩm có đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nếu muốn thử một món lạ, nên hỏi rõ thành phần của món ăn, tránh những thứ có thể gây ngộ độc, chọn các món còn nóng. Hãy yêu cầu đổi nếu nhận thấy thức ăn cũ hay nguội. Không nên gọi món sống hoặc tái, tiết canh, các món rau trộn khi đi ăn ở bên ngoài. Dùng đồ uống của các nhà sản xuất có uy tín, nhớ xem kỹ hạn sử dụng trước khi dùng. Nên cảnh giác với các loại rượu dân tộc, rượu ngâm, đồ uống tự chế, không đảm bảo vệ sinh và dễ gây hại cho sức khỏe.

Dấu hiệu ngộ độc - điều trị

Người bị ngộ độc thực phẩm thường nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng...

Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm căn cứ trước hết là hoàn cảnh xảy ra liên quan đến ăn, uống. Bệnh cảnh nhiễm độc có thể xảy ra sau dăm mười phút đến vài giờ, thậm chí cả ngay sau bữa ăn. Nếu là bữa ăn nhiều người cùng ăn thì việc có từ 2 người trở lên cùng ăn các thức ăn giống nhau, cùng bị bệnh và có các triệu chứng giống nhau giúp ta khẳng định chẩn đoán.

Vì tác nhân gây độc là đa dạng nên triệu chứng cũng hết sức đa dạng. Không phải tất cả nhưng hầu hết các triệu chứng thường là bắt đầu từ đường tiêu hóa (như: nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn, nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thức ăn). Tuy nhiên, vẫn có các triệu chứng, hội chứng có tính chất đặc trưng, đặc hiệu cho một loại tác nhân gây độc (ví dụ co giật nghĩ đến các hoá chất bảo vệ thực vật, sốt kèm đau bụng, ỉa chảy phân có máu hoặc như nước rửa thịt gợi ý ỉa chảy nhiễm trùng…). Khi nhận thấy các dấu hiệu của ngộ độc như: đau bụng quằn quại, nôn nhiều, tiêu chảy... cần làm cho chất độc hại thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Có thể dùng hai ngón tay ngoáy móc họng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài. Người bị ngộ độc mất rất nhiều nước, cần phải bổ sung kịp thời. Uống nhiều dung dịch oresol, nước cháo, nước cam, nước dừa sau mỗi lần nôn hay đi ngoài. Chú ý lưu mẫu phân, dịch ói, thức ăn để cơ quan chuyên môn xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Nếu bị ngộ độc nặng không có dấu hiệu thuyên giảm, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, tránh để đến khi quá muộn.

BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI


Ý kiến của bạn