Hà Nội

Mùa hè, coi chừng trẻ ngạt nước tại nhà

19-06-2014 13:52 | Đời sống
google news

SKĐS - Ngạt nước là tai nạn xảy ra nhiều nhất vào mùa hè. Tai nạn do nước cũng có thể gặp ở ngay trong nhà, tại các nơi trông giữ trẻ nhỏ.

Ngạt nước là tai nạn xảy ra nhiều nhất vào mùa hè, cao điểm từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Đáng lưu ý là tai nạn do nước cũng có thể gặp ở ngay trong nhà, tại các nơi trông giữ trẻ nhỏ. Nguyên nhân do sự lơ là, chủ quan của người lớn không đảm bảo an toàn cho trẻ lúc chơi đùa.

Ngạt nước do nghịch xô nước

Mới đây bé N.N., 14 tháng tuổi, nhà ở Cái Bè, Tiền Giang, được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM vì bị đâm đầu vào xô nước. Buổi sáng mẹ để bé ngồi chơi một mình để đi vào nhà pha sữa. Đến khi mang sữa trở lại thì không thấy bé đâu. Tìm kiếm mới phát hiện bé trong tư thế cắm đầu vào xô nước, toàn thân bất động. Khi vớt lên thấy bé tím ngắt không thở, người nhà nhanh chóng hô hấp nhân tạo cho bé khoảng 30 phút bé mới bắt đầu thở nấc lại. Sau đó đưa ngay đến trạm xá và được chuyển đến bv. Nhi Đồng 1. Tại đây các bác sĩ tiếp tục hỗ trợ hô hấp 2 ngày bé mới thở lại, điều trị tiếp tình trạng viêm phổi 7 ngày nữa bé mới khỏe lại.

Nguyên nhân do để trẻ chơi một mình

Những vật dụng chứa nước sử dụng trong nhà như thau, thùng, xô đựng nước nếu không cẩn thận đều có thể gây tai nạn ngạt nước đối với trẻ dưới 3 tuổi tập tễnh đi khám phá, nghịch nước trong thời tiết oi bức này. Nguyên nhân do sự bất cẩn của người lớn, không giám sát trẻ trong lúc trẻ chơi. Độ tuổi này trẻ phát triển nhiều về vận động, tập giữ cân bằng cơ thể, do vậy dễ té ngã chúi đầu vào những dụng cụ chứa nước như: thùng, xô, lu… mà không thể tự động đứng lên, hoặc thoát ra được. Trọng lượng cơ thể trẻ nhỏ cũng chưa đủ nặng để làm đổ dụng cụ chứa nước để bé có thể thở được. Ngoài ra việc phát hiện muộn và sơ cứu không đúng phương pháp đã dẫn đến tỉ lệ tử vong và tàn phế do di chứng não cao nhất trong các tai nạn trẻ em.

Biết cách ứng phó khi tai nạn xảy ra

Ngay lập tức đưa trẻ ra khỏi nước.

Đặt nằm chỗ khô ráo và thoáng.

Đánh giá nếu trẻ tím tái không thở, phải thổi ngạt ngay: áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ, thổi 2 lần liên tiếp. Sau đó thổi theo nhịp cứ 4 giây cho một lần thổi cho đến khi trẻ thở lại đều.

Nếu tim ngừng đập, thực hiện ấn tim ngay sau thổi ngạt. Ấn vùng 1/2 dưới của xương ức đều đặn theo nhịp 15/2 có nghĩa là ấn tim 15 nhịp xen kẽ với 2 nhịp thổi ngạt. Ấn tim và thổi ngạt cho đến khi tim đập lại và trẻ thở đều, hồng hào.

Nếu trẻ bất tỉnh nhưng vẫn còn thở, cho trẻ nằm nghiêng một bên để nước từ đường thở, trong bụng ra ngoài và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Không để trẻ nhỏ một mình

Nhà có trẻ nhỏ cẩn thận với các dụng cụ chứa nước trong nhà. Đậy kín hồ chứa nước, lu, thùng, xô, thau..., xả hết nước trong bồn tắm khi không sử dụng. Luôn trông chừng khi trẻ tắm. Không cho trẻ chơi nghịch gần nơi chứa nước. Không để trẻ chơi một mình. Người lớn khi trông giữ trẻ, không làm việc khác mà phải thường xuyên chú ý, theo sát trẻ để tránh những tai nạn đau lòng.

 

BS.CKII. NGUYỄN THỊ KIM THOA


Ý kiến của bạn