Mùa hè đến là điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho các loài muỗi phát triển, vì vậy bệnh viêm não Nhật Bản B (VNNBB) rất có khả năng xuất hiện. Bệnh VNNBB do virut Arbo gây ra. Bệnh lây lan giữa người bệnh với người lành hoàn toàn khác với bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu hoặc H. Influenzae hoặc St.pneumoniae... gây ra. Bệnh VNNBB dễ lây lan, tỷ lệ tử vong cao, khi khỏi bệnh có thể để lại di chứng nặng nề.
Người ta thấy nếu không có muỗi thì sẽ không có bệnh VNNBB, bởi vì mùa hè là mùa thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh do nhiệt độ thích hợp với các loài muỗi và kèm theo mưa làm cho bọ gậy phát triển nhanh chóng. Thêm vào đó mùa hè nóng nực nên khi nằm ngủ chủ quan không buông màn, tạo điều kiện cho muỗi dễ dàng đốt người. Môi giới truyền bệnh VNNBB là muỗi Culex. Bệnh VNNBB lây từ vật chủ này sang vật chủ khác và từ người bệnh sang người lành do muỗi Culex hút máu và truyền bệnh. Ở Việt Nam, loài muỗi Culex sinh sản mạnh nhất vào mùa hè, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 7. Muỗi Culex có đặc điểm hoạt động mạnh vào lúc chập tối.
Bệnh VNNBB thường gặp ở trẻ em nhất là trẻ em dưới 10 tuổi bởi vì ở độ tuổi này có sức thụ bệnh cao với bệnh VNNBB hơn người trưởng thành. Đặc điểm của virut VNNBB là rất có ái lực với tế bào thần kinh, vì vậy mà khi virut vào máu, chúng đến hệ thần kinh và nhân lên mạnh mẽ ở đó gây nên các phản ứng như sốt cao và gây tổn thương hệ thần kinh. Người ta thấy rằng sau khi mắc bệnh VNNBB cơ thể có miễn dịch vững bền vì vậy tiêm chủng vaccin VNNBB là hết sức có lợi cho trẻ.
Triệu chứng của VNNBB
Thời kỳ nung bệnh của VNNBB thường kéo dài từ 5 - 7 ngày, sau đó là thời kỳ khởi phát. Thời kỳ khởi phát xuất hiện các triệu chứng như viêm long đường hô hấp trên (sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi, ho...) rồi xuất hiện sốt cao đột ngột trên 39 - 40oC kèm theo đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán. Có thể có rối loạn tiêu hoá như đau bụng kèm theo đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn nhất là ở trẻ nhỏ tuổi. Tính chất nôn là nôn vọt và không lệ thuộc vào bữa ăn (nôn bất kỳ lúc nào). Trẻ bệnh có biểu hiện cứng gáy và tăng trương lực cơ, có thể xuất hiện lú lẫn, mất dần ý thức. Tiếp đến là thời kỳ toàn phát. Ở thời kỳ này, các dấu hiệu có ở thời kỳ khởi phát lại tăng lên, đặc biệt là các dấu hiệu thần kinh như cuồng sảng, ảo giác hoặc kích động, tăng trương lực cơ làm cho trẻ bệnh nằm trong tư thế co quắp "kiểu cò súng". Song song với các triệu chứng trên thì co giật cũng có thể xuất hiện hoặc bị bại, liệt cứng. Đối với loại bệnh nặng thì trẻ bệnh có thể u ám lúc ban đầu rồi dần dần đi vào hôn mê. Ngoài ra có các dấu hiệu về thần kinh thực vật tăng lên rõ rệt như vã mồ hôi, rối loạn vận mạch dưới da (da lúc đỏ, lúc tái), rối loạn nhịp thở và tăng tiết dịch ở hệ hô hấp (khi khám phổi nghe thấy ran rít, ran ngáy, ran nổ...). Bước sang tuần thứ 2 các triệu chứng như sốt, triệu chứng thần kinh, tim mạch dần dần giảm (gọi là thời kỳ lui bệnh). Một số trẻ bệnh sau giai đoạn này có thể để lại di chứng bại liệt, liệt chi hoặc liệt các dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn sự phối hợp vận động.
Những biến chứng nguy hiểm
Biến chứng trong bệnh VNNBB cũng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn bởi sự hỗ trợ hô hấp như thở máy, đặt nội khí quản, thông tiểu... do các dụng cụ y tế không được vô khuẩn tuyệt đối. Người ta cũng có thể gặp một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh VNNBB hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson. Bệnh VNNBB có tỷ lệ tử vong cao (khoảng từ 20-80%) thường gặp ở những bệnh nhi nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt...
Làm gì để phòng bệnh VNNBB hiệu quả?
Điều quan trọng nhất là cần tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh VNNBB, nguy hiểm của muỗi và vai trò của bọ gậy (lăng quăng). Đồng thời phổ biến các biện pháp diệt bọ gậy và muỗi trưởng thành bằng mọi hình thức. Các biện pháp thường áp dụng là khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng, đậy kín các chum vại đựng nước, thay nước trong lọ cắm hoa hằng ngày, bắt muỗi bằng bẫy, bằng vợt, bằng đèn,... và các biện pháp dùng hóa chất diệt muỗi như phun, tẩm màn và dùng hương xua, diệt muỗi. Cần phát hiện bệnh sớm bệnh nhân mắc bệnh VNNBB để cách ly và cho bệnh nhân nằm màn tuyệt đối. Mặc dù mùa hè nóng nực nhưng rất cần thiết nằm màn để tránh muỗi đốt, đặc biệt là vùng thường có dịch VNNBB lưu hành và vùng đang có dịch bệnh. Cho đến nay người ta thấy biện pháp tiêm chủng vaccin VNNBB để gây miễn dịch chủ động là biện pháp tốt nhất.
PGS. TS.BS. Bùi Khắc Hậu