Hà Nội

Mùa hè có cần bổ sung vitamin D cho trẻ?

21-04-2019 07:20 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vitamin D rất cần cho sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là trẻ em, bởi vì chúng giúp cho hệ thống xương, răng được chắc khỏe, vững vàng.

Tuy vậy,  việc bổ sung vitamin D không được tùy tiện, hơn nữa không phải lúc nào cũng cần dùng đến thuốc chứa vitamin D, đặc biệt trong mùa nắng nóng có nhiều ánh mặt trời.

Vitamin D là một nhóm các secosteroid tan được trong chất béo, làm tăng cường khả năng hấp thụ canxi và photphat ở đường ruột, trong đó vitamin D2 (Ergocalciferol) và vitamin D3 (Cholecalciferol) là các hợp chất quan trọng nhất trong nhóm vitamin D.  Vitamin D là một loại vitamin rất đặc biệt, có hàm lượng rất nhỏ mà cơ thể không thể tự tạo ra được mà phải nhờ những nguồn từ bên ngoài. Vitamin D3 khá đa dạng các dưỡng chất thiết yếu như canxi, magie, mangan, kẽm, đồng, boron, chondrotin, acid folic và DHA sẽ giúp xương dài nhanh và chắc khỏe. Vitamin D2 và D3 có thể đưa vào cơ thể qua thực phẩm và các biện pháp bổ sung bởi vì cơ thể cũng có thể tổng hợp vitamin D (đặc biệt là vitamin D3) ở da, khi da được tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời, vì vậy, vitamin D3 còn được mệnh danh là “vitamin ánh nắng”. Ở trẻ em, khi cơ thể thiếu vitamin D, canxi sẽ dễ bị còi xương, chậm lớn, chậm biết đi hoặc chân vòng kiềng; Dấu hiệu sớm của còi xương là trẻ ngủ không ngon giấc, thường quấy khóc, đổ mồ hôi về đêm và máng tóc ở phía gáy và 2 thái dương mọc rất thưa. Trẻ bị còi xương hay ra nhiều mồ hôi sẽ dễ bị mất nhiệt và có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Cho trẻ hoạt động ngoài trời, tắm nắng trước 8 giờ sáng để tăng tổng hợp vitamin D.

Cho trẻ hoạt động ngoài trời, tắm nắng trước 8 giờ sáng để tăng tổng hợp vitamin D.

Bổ sung vitamin D đúng cách khi cần thiết

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai muốn bản thân mình và con em mình bị mắc các bệnh về xương hoặc các bệnh khác do thiếu hụt vitamin D. Vì vậy, bổ sung đầy đủ vitamin D, đặc biệt là vitamin D3 là cần thiết nhưng phải thực hiện một cách khoa học, có nghĩa không được dùng một cách tùy tiện. Bởi vậy, ngay từ đầu chưa nên nghĩ đến bù đắp sự thiếu hụt vitamin D bằng thuốc, cần thực hiện:

Bổ sung từ thực phẩm: Dùng các loại thực phẩm có giàu vitamin D3 trong các bữa ăn chính như: trứng gà, tôm, gan bò, gan lợn, đặc biệt cá mòi, cá hồi, dầu cá có lượng vitamin D cao nhất. Ngoài ra có thể dùng các loại thực phẩm như phô mai, các sản phẩm từ sữa (sữa chua, sữa tươi, sữa dùng cho trẻ em, sữa dùng cho người lớn...) hoặc một số loại ngũ cốc, đậu nành...

Khi dùng thuốc: Khi đi khám bệnh, nếu thấy hậu quả rõ rệt do thiếu vitaminD (còi xương, loãng xương, nứt xương...), bác sĩ có thể cho thuốc uống bổ sung vitamin D kết hợp với canxi và MK7 để mang lại hiệu quả cao, nếu chỉ bổ sung vitamin D không thì chưa đủ, cần bổ sung thêm 2 dưỡng chất đồng hành kia để mang lại sức khỏe cho xương chắc khỏe và dẻo dai. Tuy nhiên, dùng thuốc phải đúng liều lượng. Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ một phần (dùng thêm sữa công thức) cần được bổ sung vitamin D liều 400 IU mỗi ngày, bắt đầu từ vài ngày sau khi sinh. Ngưng bổ sung vitamin D khi bé đã cai sữa và uống đủ được 1 lít sữa công thức/ngày, loại sữa có bổ sung vitamin D.

Cảnh giác với ngộ độc vitamin D: Tình trạng này xảy ra khi cha mẹ tự ý cho con uống vitamin D liều cao trong một thời gian dài mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc. Biểu hiện của ngộ độc vitamin D là trẻ chán ăn, sụt cân, tiểu nhiều, loạn nhịp tim. Nặng hơn, canxi đọng ở mạch máu, tim, thận và làm vôi hóa những nơi này.

Với trẻ mắc bệnh mạn tính: Trường hợp trẻ đang sử dụng một số thuốc điều trị đặc biệt hoặc mắc một số bệnh mạn tính thì cần bổ sung nhiều vitamin D hơn, tùy thuộc vào từng bệnh lý do đó hàm lượng cụ thể cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ với từng bệnh nhi.

Đọc kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm: Khi bổ sung vitamin D cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý đọc kỹ thành phần của thuốc, đặc biệt là hàm lượng vitamin D để tránh dùng liều cao đồng thời đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng thuốc hiệu quả như thời gian uống tốt nhất hay các hoạt động thể chất hỗ trợ...

Có nên bổ sung vitamin D trong mùa hè?

Khí hậu mùa hè thường có nhiều ánh nắng mặt trời, nếu biết cách tắm nắng cho trẻ thì không cần thiết phải bổ sung vitamin D vì vitamin D3 được cơ thể tổng hợp khi da phơi nắng dưới tác động của tia cực tím ánh sáng mặt trời. Theo các nhà nghiên cứu khi ngồi ngoài trời lúc sáng sớm phơi nắng tay, chân trần trong vòng 20 phút, cơ thể sẽ thu được  khoảng 2000 UI (đơn vị Quốc tế ) vitamin D. Thời gian tắm nắng tốt nhất là trước 8 giờ sáng. Cha mẹ nên để hở bàn tay, cánh tay, chân, bụng... của bé được tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng 5-10 phút. Không nên để ánh nắng chiếu vào mắt. Tuy nhiên, lạm dụng tắm nắng có thể khiến trẻ bị cháy da, thậm chí là ung thư da nên vào mùa hè, cần tránh cho bé ra ngoài nắng từ 10h sáng tới 15h chiều.


TS. Đặng Bùi Bảo Linh
Ý kiến của bạn