Tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng nhọt ống tai có triệu chứng đau nhức tai dữ dội, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị đúng là vô cùng quan trọng.
Vì sao có nhọt ở ống tai dễ gặp vào mùa hè?
Nhọt ống tai là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở một vị trí của ống tai ngoài, thường gặp một bên. Bệnh hay gặp vào mùa hè và do tụ cầu khuẩn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng thường gặp nhất là tình trạng ngoáy tai bằng vật cứng, bẩn gây xước da ống tai. Chính vì lý do này, nên mùa hè bơi lội nhiều, nếu người nào có thói quen ngoáy tai, gây xước da ống tai sẽ dễ bị viêm nhiễm.
Tình trạng nhọt ống tai còn do nguyên nhân viêm ở nang lông hay tuyến bã. Chàm ống tai hoặc chảy mủ tai... Bệnh dễ gặp ở đối tượng là những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém (bệnh mạn tính, đái tháo đường, trẻ em…).
Biểu hiện nhọt ống tai
Nhọt ống tai là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở một vị trí của ống tai ngoài, bệnh hay gặp ở một bên tai. Khi mắc người bệnh thường có các biểu hiện như: Đau tai, ù tai, chảy mủ và kèm máu ở giai đoạn nhọt ống tai lớn gây vỡ.
Người bệnh thường nhập viện bởi tình trạng tai sưng, đau rất nhiều, có trường hợp kèm triệu chứng ù tai. Tình trạng đau tai thường lan tỏa ra các vùng lân cận như thái dương, gáy… há miệng cũng đau, nhai cũng đau… khiến cho người bệnh không ăn, mất ngủ. Thính lực vẫn bình thường hoặc giảm nhẹ. Đau tăng dần lên khi ấn vào vùng thuộc tai hoặc kéo vành tai.
Nếu nhọt ở cửa tai không đau nhiều như nhọt sâu trong ống tai. Một số người bệnh sẽ sốt nhẹ hoặc sốt cao khi viêm tấy, nhiễm trùng lan tỏa. Nhưng nhìn chung nhọt ở ống tai đau nhiều hơn nhọt ở các vùng khác vì nơi đây da dính chặt vào sụn, càng đi sâu vào trong da càng dính nhiều và triệu chứng đau càng tăng.
Chẩn đoán nhọt ống tai
Ngoài các biểu hiện lâm sàng thì các bác sĩ sẽ soi tai thấy có nốt gờ màu đỏ hồng, chạm vào đau. Khi nhọt lớn, đầu nhọt có điểm trắng là nhọt sắp vỡ, ranh giới không còn rõ, da chung quanh bị phù nề nhiều, lòng ống tai bị thu hẹp, màng nhĩ khó quan sát.
Để xác định nguyên nhân các bác sĩ có thể sẽ chỉ định cấy xét nghiệm dịch tai, sinh thiết nếu nghi ngờ khối u… từ đó sẽ có phác đồ điều trị cho thích hợp.
Nhọt ống tai chữa như thế nào?
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp. Một số ít nhọt có thể tan được nếu chúng ta điều trị tích cực. Nhưng phần lớn nhọt ống tai sẽ mưng mủ và vỡ trong vòng 4 đến 5 ngày. Mủ, máu và ngòi sẽ thoát ra cửa tai, đồng thời bạn sẽ hết đau.
Nhọt có thể lành và khỏi hẳn, nhưng nó cũng có thể tái phát lại nhiều lần, cái này vừa vỡ thì cái khác mọc lên bên cạnh.
Đối với người bệnh giảm đau khi mắc nhọt ống tai cần chườm nóng để giảm đau.
Các chỉ định khác gồm dùng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Có thể chích rạch nếu nhọt ống tai mưng mủ qua gây tê tại chỗ.
Lưu ý cho người bệnh mắc nhọt ống tai có thể sẽ bị viêm tai giữa mạn tính. Vì vậy thấy các biểu hiện đau nhức tai cần tới cơ sở y tế để được thăm khám để chẩn đoán chính xác. Trường hợp nhọt tự vỡ ở nhà, chảy nhiều dịch mủ ra ống tai. Việc đến khám bác sĩ luôn cần thiết để hút mủ, rửa tai, và quan trọng nhất là xác định mủ này do nhọt ống tai vỡ hay do viêm tai giữa có thủng nhĩ.
Tóm lại: Nhọt ống tai tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Việc chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh là rất quan trọng.
Để phòng nhọt ống tai cũng như viêm nhiễm tai không nên ngoáy tai, nhất là ngoáy tai bằng dụng cụ cứng và không được vô trùng, kể cả bông ngoáy tai không đảm bảo vô trùng (nếu để ở ngoài khoảng 5-7 ngày). Tuyệt đối không lấy ráy tai ở hàng cắt tóc vì ngoài gây nhọt còn sẽ lây nhiễm nhiều bệnh như nấm ống tai, viêm gan B, HIV...
Mời xem video được quan tâm:
Dự Báo Thời Tiết TP.HCM Ngày 6/6: Nam Bộ Bước Vào Đợt Mưa Lớn Diện Rộng, Kéo Dài Đến 10/6 | SKĐS